Tổng thống Trump và phu nhân lên máy bay bắt đầu chuyến công du (Ảnh: AP) |
Trong chuyến công du kéo dài 9 ngày. Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Ả-rập Xê-út, Israel, Vatican, trước khi tới Brussels, Bỉ để gặp các nhà lãnh đạo NATO và dự thượng đỉnh G7 tại Italy.
Sự lựa chọn của Tổng thống Trump về các điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã gây bất ngờ cho nhiều người sau khi ông tuyên bố chính sách “Nước Mỹ là trên hết” trong chiến dịch tranh cử. Kể từ thời Ronald Reagan, các tổng thống Mỹ đã chọn Mexico hoặc Canada cho chuyến đi “ra mắt” thế giới.
Tuy nhiên, tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, chia sẻ: "Nước Mỹ đầu tiên" của Trump không có nghĩa là "Nước Mỹ một mình", Mỹ vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt các đồng minh trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trên thế giới".
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump sẽ tháp tùng chồng trong suốt chuyến đi.
Ả-rập Xê-út
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm của ông Trump là Ả-rập Xê-út, nơi ông sẽ gặp gỡ các lãnh đạo của thế giới Hồi giáo. Vua Salman bin Abdulaziz al Saud sẽ đón các nguyên thủ các nước để cùng Tổng thống Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh Ả-rập - Hồi giáo - Mỹ. Lãnh đạo của Jordan, Algeria, Niger, Yemen, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iraq và Tunisia đều được mời. Ông Trump cũng sẽ gặp quốc vương của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm 6 quốc gia.
Ông Trump hy vọng có thể thuyết phục thế giới Hồi giáo rằng ông không chống Hồi giáo và sẽ nỗ lực khôi phục liên minh tại đây, sau khi bị cáo buộc kích động thế giới Hồi giáo bằng việc ra sắc lệnh cấm người Hồi giáo từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ. “Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một nền tảng mới của sự hợp tác và hỗ trợ với các đồng minh Hồi giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và bạo lực”, Trump nói.
Israel
Tại Israel, ông Trump sẽ gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas như là một phần trong cuộc tìm kiếm "thỏa thuận cuối cùng" - một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Tổng thống Mỹ sẽ ghé thăm bức tường phía Tây Jerusalem và có bài phát biểu tại pháo đài Masada. Một vấn đề nhạy cảm là liệu ông có tới thăm Yad Vashem, nơi tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát bởi Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Trong chuyến công du tới Israel, ông Trump muốn mình sẽ là nhân tố quyết định cho tiến trình hòa bình giữa 2 nước Israel-Palestine, tiếp tục hoàn thiện các thỏa thuận hòa bình, điều mà các tổng thống Mỹ trước ông chưa làm được.
Tuy nhiên, ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ phe cánh hữu tại Israel, những người từng ủng hộ ông nhưng giờ đây bắt đầu cảm thấy hối hận khi ông đang có dấu hiệu “nối gót” những người tiền nhiệm trong việc yêu cầu Israel không mở rộng các khu định cư và từ chối lời hứa dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem.
Rome
Cuộc gặp lần đầu tiên này với Giáo hoàng Francis, vào ngày 24/5, được xem là “khó nhằn” với ông Trump, khi quan điểm của cả hai khác nhau về mọi vấn đề chính, từ biến đổi khí hậu, thành công của chủ nghĩa tư bản, cho đến quyền của người tị nạn và sự cách biệt ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Năm ngoái, trong một tranh cãi công khai, họ đã có những lời qua tiếng lại khắc nghiệt khi nói về kế hoạch xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico của ông Trump.
Brussels
Từ Rome, Tổng thống sẽ đi đến Brussels để tham dự một cuộc họp của NATO. Trong cuộc vận động tranh cử năm ngoái, ông đã gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo NATO khi ông mô tả liên minh Mỹ-NATO là "lỗi thời". Tuy nhiên vào tháng trước, ông đã đảo ngược bình luận đó, tuyên bố rằng liên minh trên thực tế "không còn lỗi thời nữa".
Những nhận xét của ông đã gây ra sự khó hiểu trong khối NATO và gây quan ngại rằng việc Mỹ rút khỏi liên minh có thể khuyến khích các tham vọng lãnh thổ của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh G7
Từ Brussels, Tổng thống Mỹ sẽ tới Italy để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra tại thị trấn Taormina ở Sicily vào ngày 26-27/5.
Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng ông Trump sẽ có lập trường rõ ràng về nhiều vấn đề hiện nay, từ bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu đến khủng hoảng người tị nạn và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Đặc biệt, Trump vẫn chưa quyết định có tiếp tục theo đuổi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 hay không. Điều này khiến ông phải đối mặt với áp lực từ các nhà lãnh đạo khác, khi Mỹ được coi là quốc gia then chốt cho việc hạn chế phát thải khí nhà kính và hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu. Hiện chưa rõ ông Trump có thể cởi mở để thuyết phục vấn đề này, hay liệu ông chỉ trì hoãn việc tuyên bố rút khỏi hiệp định và tránh thu hút những lời chỉ trích từ G7.