Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
Theo bản án sơ thẩm TAND Hà Nội tuyên ngày 22/1, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT - Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC) cùng Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) lập khống hồ sơ rút trên 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Trong đó, ông Thanh được chia 4 tỷ đồng, chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung số tiền 1,5 tỷ đồng.
Ngày 6/1/2012, ông Minh gọi điện thoại yêu cầu ông Hòa chuẩn bị 5 tỷ đồng để ông Thanh sử dụng cá nhân trong dịp Tết nguyên đán 2012. Ông Hòa ra ngân hàng và đã rút 5 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Kế (lái xe của ông Minh).
Lái xe này giữ lại một tỷ đồng để ông Minh sử dụng và chuyển 4 tỷ đồng còn lại cho ông Thanh thông qua Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của ông Thanh).
Trong những ngày xét xử, lái xe Kế khai có việc chở ông Hòa đi ra ngân hàng và tiền rút ra được đựng trong hai chiếc túi. Lái xe này còn nhận là người đã chuyển 4 tỷ cho lái xe của ông Thanh, núp bóng "túi quà".
Lái xe của ông Thanh không đến tòa nhưng ở cơ quan điều tra đã khai về việc tài xế Kế gọi điện thoại bảo mở cửa xe ra, sau đó lấy một túi từ ôtô của Kế đưa sang, nói “chuyển túi này cho sếp Thanh”. Trên đường về, ông Toàn bảo có Kế chuyển túi đồ, ông Thanh nói "ừ" và nhắc xách túi này vào nhà.
Ông Thanh phủ nhận tất cả lời khai trên, nói: "Anh Toàn trả lời như thế không biết do tâm lý hay gì. Tôi khẳng định không có chuyện tôi lấy số tiền lớn như vậy”.
Tuy nhiên, bản án kết luận lời khai của hai lái xe trên phù hợp với hồ sơ, chứng cứ cũng như lời khai các bị cáo khác nên việc tuyên ông Thanh tham ô là có cơ sở.
Thay chủ nhân nhận cả vali tiền
Ở vụ án xảy ra ở Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) cũng liên quan ông Trịnh Xuân Thanh đang được TAND Hà Nội xét xử, nhiều lái xe cũng vô tình trở thành trung gian của việc đưa nhận tiền "đi đêm" cho các sếp. Ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị xác định giữ vai trò đứng đầu với cáo buộc tham ô 14 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, PVP Land là cổ đông sở hữu hơn 50% cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Công ty này phải được PVC đồng ý cho chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc mới thực hiện được.
Vì vậy, bà Thái Kiều Hương (cựu phó tổng giám đốc công ty Vietsan) đã gặp Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) để nhờ ông này liên hệ xin gặp ông Thanh. Bà Hương biết ông Thắng là em trai của chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng và ông Thăng là người có ảnh hưởng với ông Thanh.
Bà Hương muốn qua cuộc gặp này đặt vấn đề với ông Thanh về việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Khoảng cuối tháng 3/2010, qua kết nối của ông Thắng, mục đích của bà Hương đã thành.
Việc chuyển nhượng cổ phần sau đó được thực hiện với mức giá 34 triệu mỗi m2, thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại hơn 87 tỷ của Nhà nước. Sau vụ chuyển nhượng này, ông Thắng được "cám ơn" 5 tỷ, còn ông Thanh 14 tỷ.
Ông Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng trong cuộc đối chất tại tòa ngày 24/1. Ảnh: TTXVN.
Tại phiên tòa, ông Thanh cho rằng các bị cáo đã "đổ tội" khi nói ông nhận vali 14 tỷ đồng bởi số tiền lớn đó không thể để vừa. Ông Thanh đề nghị tòa cho thực nghiệm lại việc cho 14 tỷ đồng vào vali. Việc này có được chấp nhận hay không sẽ được Tòa thông báo khi mở lại phiên xử vào thứ sáu (ngày 2/2).
Cơ quan điều tra đánh giá, hai tài xế khi giao nhận đều không biết đó là tiền gì, nguồn gốc từ đâu, không biết đó là tiền do các bị can phạm tội. Ngoài ra, cả hai tài xế đều không được hưởng lợi ích vật chất, đồng thời có thái độ khai báo thành khẩn, góp phần tích cực giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị can. Vì thế, hành vi của họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.