Tổng thống Mỹ Joe Biden quảng bá ô tô điện tại Triển lãm ô tô Detroit ở Mỹ vào tháng 9/2022 |
Quy mô kinh tế xanh tại Mỹ ước đạt 1,3 nghìn tỷ USD
Mỹ là một trong những nước đi đầu về thực hiện chính sách kinh tế xanh. Tiến trình này đang được đẩy nhanh dưới thời Tổng thống Joe Biden với một số mục tiêu tham vọng như giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005 và tiến tới khử carbon hoàn toàn nền kinh tế vào năm 2050. Với mục tiêu này, doanh số bán ô tô điện ở Mỹ sẽ đạt ít nhất 50% vào năm 2030, năng lượng mặt trời sẽ chiếm đến 40% nguồn cung điện của Mỹ vào năm 2035 và 45% vào năm 2050…
Ngoài khuyến khích các ngành công nghiệp carbon thấp như xe điện, Mỹ còn thúc đẩy quản lý năng lượng trong các tòa nhà. Tháng 12/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp hướng dẫn các cơ quan liên bang đạt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050, bao gồm khử carbon trong các tòa nhà, phương tiện và những hoạt động khác của Chính phủ Mỹ.
Tháng 6/2022, Bộ Năng lượng Mỹ công bố tài trợ 39 triệu USD cho 18 dự án phát triển công nghệ, biến các tòa nhà thành cấu trúc lưu trữ carbon ròng.
Thực tế, Chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài chính nhằm phát triển các nguồn năng lượng mới, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng với quy mô lên tới 15 tỷ USD.
Tuy chưa có số liệu chính thức về quy mô, giá trị của nền kinh tế xanh tại Mỹ, nhưng theo báo cáo được Lucien Georgeson và Mark Maslin thực hiện, nền kinh tế xanh của Mỹ ước tính có doanh thu trung bình năm đạt 1,3 nghìn tỷ USD, tương đương 7% GDP và tạo ra gần 9,5 triệu việc làm, tương đương 4% lực lượng lao động tính tới năm 2019.
Các lĩnh vực chứng kiến tăng trưởng tích cực còn bao gồm dịch vụ môi trường, các lĩnh vực carbon thấp (xe điện, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài chính xanh…).
Nền kinh tế Iceland đang vận hành dựa trên 85% năng lượng tái tạo |
Thỏa thuận xanh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực hàng đầu trên thế giới có sự quan tâm và đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xanh hóa nền kinh tế. Năm 2020, Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal) đã được thông qua tạo nên sơ đồ cho nền kinh tế EU phát triển bền vững.
Thỏa thuận xanh châu Âu có thể xem là một kế hoạch toàn diện với các hành động cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính ít nhất là 55% vào năm 2030 (so với năm 1990) và biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành bước tiến để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Thỏa thuận xây dựng kế hoạch cho các khoản đầu tư cần thiết và các công cụ tài chính để đạt được mục tiêu trong quá trình chuyển đổi này.
Một loạt chính sách có tầm nhìn tới năm 2050 được ban hành có thể giúp EU trở thành một nền kinh tế xanh và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách và biện pháp chính của Thỏa thuận là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
Đây cũng là lý do nhiều quốc gia trong khu vực này dẫn đầu về đầu tư cho tăng trưởng xanh. Theo chỉ số Green Future Index 2022 xếp hạng 76 nền kinh tế do MIT Technology Review Insights thực hiện và công bố, Top 5 quốc gia dẫn đầu về nền kinh tế carbon thấp đều thuộc EU.
Trong đó, quốc gia dẫn đầu là Iceland - 1 trong 2 quốc gia châu Âu tạo ra lượng điện từ năng lượng tái tạo nhiều hơn mức tiêu thụ nội địa. Nền kinh tế Iceland đang vận hành dựa trên 85% năng lượng tái tạo và hướng tới việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Iceland cũng đứng đầu về giảm phát thải carbon và đứng thứ hai về các sáng kiến kinh tế xanh. Chính phủ nước này đã thiết lập chương trình Green by Iceland - nền tảng hợp tác về các vấn đề khí hậu và môi trường giữa Iceland và các quốc gia đồng hành, với mục tiêu thúc đẩy các hành động vì môi trường, xuất khẩu các giải pháp kinh tế xanh, nâng cao nhận thức về thay đổi theo hướng bền vững.
Vị trí thứ hai thuộc về Đan Mạch với các nỗ lực đầu tư cho năng lượng bền vững và chuyển đổi xanh. Tại Đan Mạch, chính quyền hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải. Từ những năm 1960, thủ đô Copenhagen đã đưa ra sáng kiến hình thành văn hóa đi xe đạp thông qua việc hạn chế đậu xe trong trung tâm thành phố, tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường dành cho xe đạp. Đan Mạch cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ điện gió và đặt mục tiêu biến Copenhagen trở thành thủ đô trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.
Tháng 5/2022, 4 quốc gia EU gồm Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã ra tuyên bố chung để đưa biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050. EU đang đề ra một loạt biện pháp nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Một dự án điện gió tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc |
Trung Quốc phát triển nền kinh tế carbon thấp
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực hướng đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, với mô hình phát triển nền kinh tế carbon thấp dựa trên nhiều trụ cột.
Thứ nhất, xây dựng nền công nghiệp carbon thấp bắt đầu từ tái cấu trúc cơ cấu công nghiệp. Theo đó, Trung Quốc nâng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp môi trường tiết kiệm năng lượng. Trong trung và dài hạn, sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới sẽ là chìa khóa cho hoạt động tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Thứ hai, phát triển mô hình thành phố carbon thấp bằng việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng và tối ưu hóa cấu trúc giao thông đô thị như: đẩy mạnh giao thông công cộng, phát triển đường sắt trong nội đô và đường cao tốc giữa các thành phố để tạo thành hệ thống giao thông đa chiều; tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn về hiệu quả nhiên liệu đối với xe cơ giới và phát triển mạnh mẽ phương tiện carbon thấp như xe điện…
Phát triển mô hình các tòa nhà đô thị carbon thấp như xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, tiết kiệm năng lượng; tăng cường các sáng kiến bảo tồn năng lượng cho các tòa nhà hiện có, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), thương mại hóa vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng; khuyến khích người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay các thiết bị, tòa nhà carbon thấp…
Thứ ba, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng và phát triển năng lượng carbon thấp. Năm 2005, Luật Năng lượng tái tạo được thông qua, trở thành bộ khung cho sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tiếp đó, Kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm (2006 - 2010) đã xác định chủ trương lớn đầu tư cho lĩnh vực kinh tế xanh, nhấn mạnh tới yếu tố năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nhờ sự đầu tư và các chính sách khuyến khích, ngành năng lượng tái tạo Trung Quốc có những bước tiến lớn, bao gồm điện gió và điện mặt trời, liên tục dẫn đầu thị trường toàn cầu kể từ năm 2009. Hiện nay, tổng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt 48,8%, vượt tổng công suất điện than. Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về điện gió, vượt qua châu Âu. Các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm gần 60% công suất lắp đặt điện gió trên toàn cầu năm 2022, cũng như chiếm thị phần ngày càng lớn ở tấm pin mặt trời.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc vẫn được nhắc tới như ví dụ điển hình cho chính sách dẫn đà tăng trưởng năng lượng tái tạo, từ đó tạo thêm việc làm, gia tăng doanh thu, hướng tới nền kinh tế carbon thấp.
Thứ tư là mô hình tiêu thụ bền vững. Tại Trung Quốc, tiêu thụ carbon thấp được mô tả thông qua nguyên tắc 6R “Reduce - Reevaluate - Reuse - Recycle - Rescue - Recalculate” (tiết giảm - đánh giá lại - tái sử dụng - tái chế - hồi phục - tính toán lại). Ngoài ra, khuôn khổ thể chế được tăng cường bằng cách ban hành Luật Tiêu thụ bền vững và Luật Mua sắm xanh…