Không chỉ trở ngại với những quy định chưa đầy đủ, doanh nghiệp còn có thể bị từ chối hoàn thuế chỉ vì lỗi hành chính. Ảnh: Tâm Anh |
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc DN phải kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí là đưa cơ quan thuế ra tòa.
Quy định chưa đầy đủ
Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế tại Việt Nam và liên tục được hoàn thuế GTGT cho khoản chênh lệch giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra, nhưng đến nay, Công ty Thiết bị y tế Vinahankook không được hoàn thuế do một số quy định đã thay đổi. Gửi thắc mắc đến Cục Thuế Hà Nội, Vinahankook cho biết, Công ty có thuế GTGT đầu vào là 10%, số thuế GTGT đầu ra là 5% nên luôn được hoàn thuế trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, kể từ thời điểm ngày 1/7/2016, khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP (Nghị định 100) có hiệu lực và theo hướng dẫn tại Thông tư 130/2016/TT-BTC, Công ty không được hoàn như trước do không đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu. Công ty đã gửi công văn xin ý kiến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị giải pháp tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi và số thuế chưa được hoàn lên đến gần 10 tỷ đồng.
Với nhiều năm kinh nghiệm về hỗ trợ DN hoàn thuế GTGT, bà Trang Phạm, chuyên gia về thuế của Công ty Ernst & Young Việt Nam nhận xét, kể từ khi Nghị định 146/2017/NĐ-CP (Nghị định 146) có hiệu lực ngày 1/2/2018, nhiều bất cập tại Nghị định 100 đã được khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để.
Một trong những điểm tiến bộ tại Nghị định 146 là đổi một số trường hợp từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT ở mức 0%. Cụ thể, tại Nghị định 100, sản phẩm xuất khẩu là hàng hoá được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản, trong quá trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó tiếp tục chế biến sản phẩm xuất khẩu là không chịu thuế GTGT nên không được hoàn thuế. Tại Nghị định 146, điểm này đã được sửa đổi với mức thuế GTGT 0% đối với sản phẩm này, tức là DN được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, những khoản thuế chưa được hoàn trong giai đoạn Nghị định 100 có hiệu lực, tức là từ 1/7/2016 cho đến 31/1/2018, vẫn chưa xử lý được.
“Chúng tôi đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính nhưng vẫn chưa có cách giải quyết. Đáng chú ý, một số DN chuyên sản xuất cho DN chế xuất hoặc chính DN chế xuất có hoạt động thương mại nhập khẩu sau đó có xuất khẩu cũng gặp trở ngại này và cơ quan thuế hiện giờ cũng không dám trả lời là DN có được đưa khoản thuế đó vào chi phí hay không. Kết quả là, họ bị treo một khoản tiền mà không biết xử lý như thế nào”, bà Trang Phạm cho biết.
Hồ sơ phải hoàn hảo mới được hoàn thuế
Không chỉ trở ngại với những quy định chưa đầy đủ, DN cũng có thể bị từ chối hoàn thuế chỉ vì lỗi hành chính. Từ kinh nghiệm công việc của mình, bà Trang chia sẻ một số tình huống mà DN không được hoàn thuế. Đó là khi DN nộp bộ hồ sơ hoàn thuế vào tháng mà DN không có doanh thu xuất khẩu dù thuế đầu vào rõ ràng có liên quan đến hoạt động xuất khẩu của những tháng trước; hoặc nộp hồ sơ vào tháng đã phát sinh doanh thu xuất khẩu nhưng chốt hồ sơ tháng vào lúc chưa phát sinh doanh thu. “Đây là những lỗi mang nặng tính hành chính mà không được quy định cụ thể”, bà Trang cho biết.
Để đòi quyền lợi được hoàn thuế trong những trường hợp nêu trên, một số DN đã gửi khiếu nại lần lượt từ cấp cục thuế địa phương và sau đó là Tổng cục Thuế. Có DN đã khiếu nại với tòa án khi cơ quan thuế không giải quyết được vấn đề này. “Xử lý những trường hợp như vậy, tòa án thường có xu hướng căn cứ vào các văn bản pháp quy và câu chữ trong các quy định. Nếu việc xử lý tình huống của cơ quan thuế chỉ mang tính suy diễn, phiên dịch nội dung các quy định thì cơ quan thuế sẽ không đủ căn cứ để từ chối hoàn thuế của DN”, bà Trang nói.
Chia sẻ ý kiến về tình trạng không hoàn được thuế do lỗi hành chính, bà Hương Vũ, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam kể về trường hợp một DN nước ngoài bị từ chối hoàn thuế khoảng 2 triệu USD chỉ vì khai sai mẫu. “Sau khi có ý kiến của cục thuế về việc khai sai mẫu, DN đã sửa lại nhưng vẫn không được hoàn vì lúc đó doanh số đã thay đổi. Sau đó, DN khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn không được hoàn và phải làm việc với Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán và hiệp hội DN cùng tham gia thì khúc mắc này mới được giải quyết”, bà Hương Vũ nói và đánh giá: “Trong trường hợp này, tôi cảm nhận không hẳn cán bộ thuế có động cơ gì đó trong việc từ chối hoàn thuế mà có thể họ sợ chịu trách nhiệm trước một số tiền quá lớn. Cán bộ thuế e ngại, nếu vẫn giải quyết hoàn thuế khi hồ sơ không trọn vẹn có thể gặp rắc rối trong trường hợp cơ quan công an hoặc cơ quan kiểm toán vào kiểm tra”.
Bình luận về cách thực thi thủ tục hoàn thuế hiện nay, bà Trang Phạm cho rằng: “Hoàn thuế ngày càng khó, cơ quan thuế có xu hướng nói là một khi hồ sơ thuế của DN sai sót, dù là lỗi hành chính, thì DN cũng bị tước luôn quyền được hoàn thuế GTGT. Tức là, hồ sơ phải vô cùng xinh đẹp nếu không sẽ rất khó được hoàn thuế”.