Những quy định đáng chú ý nhất có hiệu lực từ tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
Các quy định có hiệu lực từ tháng 5/2022 liên quan đến đăng ký xe máy tại công an xã, phường; người bị phạt nguội không phải quay lại nơi vi phạm để giải quyết; điều chỉnh trợ cấp với quân nhân…

Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh 1-2 con được hỗ trợ đến 3 triệu đồng

Đây là nội dung tại Thông tư 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, đối với bà mẹ mang thai được tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng tối thiểu 3 lần/thai kỳ; mức hỗ trợ tối đa 30.000 đồng/lần tư vấn/bà mẹ mang thai. Hỗ trợ cán bộ kỹ thuật khám, theo dõi và quản lý bà mẹ mang thai cho tới khi sinh con: tối đa 50.000 đồng/lần và không quá 4 lần/thai phụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trao quà Tết, học bổng cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh. Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trao quà Tết, học bổng cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh. Ảnh minh họa.

Hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh tối đa 500.000 đồng/bà mẹ/thai kỳ. Hỗ trợ phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ; đối đa 3 triệu đồng/bà mẹ.

"Hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 3 triệu đồng/bà mẹ"- Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/5 nêu rõ.

Tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Thông tư số 05/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư 33/2017 có hiệu lực từ ngày 5/5.

Theo đó, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa lựa chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 thông tư này: Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; Am hiểu về khoa học giáo dục; Có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy định thời hạn cấp giấy phép, giám định văn hóa phẩm nhập khẩu

Nghị định số 22/2022 sửa đổi Nghị định 32/2012 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh có hiệu lực từ ngày 10/5.

Theo đó, thời hạn cấp giấy phép, giám định văn hóa phẩm nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh được quy định như sau:Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép. Đối với văn hóa phẩm là phim: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép. (Nội dung bổ sung). Thời gian giám định văn hóa phẩm nhập khẩu tối đa không quá 12 ngày làm việc. Đối với văn hóa phẩm là phim: Thời gian giám định phim không quá 12 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cung cấp bản phim.

Hoàn thành học trung cấp, cao đẳng không quá 4,5 năm

Kể từ ngày 15/5, Thông tư số 04/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ sẽ chính thức hiệu lực.

Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ do hiệu trưởng quyết định nhưng phải đảm bảo: Không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học. Không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học.

Như vậy, thời gian học trung cấp, cao đẳng tối đa chỉ đến 4,5 năm đối với các chương trình đào tạo 3 năm. Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời gian tối đa không vượt quá 2 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 3 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ một đến dưới hai năm học.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư số 22/2022 của Bộ Quốc phòng quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.

Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Thông tư số 22/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5. Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chi trả cho đối tượng.

Tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ 19/5

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2022 sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5 (hiện nay, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, Quyết định số 05/2022 còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng, cụ thể: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Đăng ký xe máy tại công an xã, phường; quy định mới về phạt nguội

Được đăng ký xe máy tại công an xã, phường, thị trấn từ ngày 21/5 là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, công an xã, phường, thị trấn đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình.

Đồng thời tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.

Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy. Ảnh minh họa.

Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy. Ảnh minh họa.

Cũng theo Thông tư 15/2022, người bị phạt nguội ở huyện khác sẽ không cần phải quay lại nơi vi phạm giải quyết phạt nguội. Cụ thể, Bộ Công an quy định khi xác minh được người bị phạt nguội mà người đó không cư trú tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan công an đã phát hiện vi phạm thì kết quả phạt nguội sẽ được gửi về cho công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm: Gửi cho công an xã, nếu lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã.

Gửi cho công an huyện, nếu lỗi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã nhưng công an xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối.

Lúc này, cơ quan công an nơi người vi phạm cư trú sẽ mời người đó đến trụ sở để giải quyết vụ việc. Theo quy định hiện hành, nếu bị phạt nguội, người vi phạm vẫn phải đến tận trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm để làm việc dẫn tới việc nhiều người ở tỉnh khác, phải quay lại quãng đường cả trăm km để nhận quyết định xử phạt.

Tin cùng chuyên mục