Báo Đấu thầu giới thiệu 3 gương mặt tỷ phú tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực: đầu tư, sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Ông Phạm Nhật Vượng – Vingroup
Là người Việt Nam đầu tiên và 5 năm liên tiếp (2013 - 2017) có tên trong danh sách các tỷ phú thế giới của tạp chí danh tiếng Forbes, nhưng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup là một người cực kỳ kín tiếng và được ngưỡng mộ không chỉ bởi sự giàu có mà còn bởi khát vọng tiên phong, khát vọng chinh phục và cống hiến cho giấc mơ thương hiệu Việt.
Ông Vượng tốt nghiệp Đại học Moscow Geology ở Nga. Sau đó, chuyển đến sinh sống tại Ukraine và thành lập Công ty LLC Technocom, sản xuất đồ ăn đóng gói, bao gồm cả mỳ ăn liền và khoai tây nghiền. Ông đã bán lại công ty này cho Nestle năm 2010 với mức giá không được tiết lộ. Ông quay trở về sinh sống tại Việt Nam năm 2001 và thành lập Công ty CP Vinpearl, kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch. Sau đó, tiếp tục thành lập Công ty CP Vincom, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kinh doanh dịch vụ bất động sản, trung tâm thương mại. Đầu năm 2012, hai công ty này sáp nhập vào nhau và chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup - CTCP.
Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản thương mại và nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này còn đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực bán lẻ, logistics, nông nghiệp, giáo dục và y tế. Vingroup hiện có hơn 1.000 siêu thị và cửa hàng tiện ích, số lượng trung tâm thương mại đã cán mốc 40.
Triết lý “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của Vingroup tiếp tục được ông Vượng gửi gắm vào Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. Đây là một dự án mới và đầy tham vọng của Vingroup để cho ra đời những chiếc ô tô thương hiệu Việt với chất lượng và kiểu dáng tiêu chuẩn châu Âu.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2017 được công bố bởi Forbes ngày 21/3, ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 867 trên 2.043 người giàu nhất trên thế giới với với khối tài sản ước tính lên đến 2,4 tỷ USD. Phần lớn tài sản của ông Vượng đến từ số lượng cổ phiếu nắm giữ tại Vingroup. Theo website của Forbes, tính đến ngày 4/10 giá trị tài sản của ông Vượng đã đạt 2,8 tỷ USD, tương đương 63.728 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet Air
Ngày 28/2/2017, toàn bộ 300 triệu cổ phiếu của Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) chính thức được giao dịch tại sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ngay khi niêm yết, giá cổ phiếu Vietjet Air đã tăng mạnh và giúp doanh nghiệp này gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô”- nhóm công ty có giá trị vốn hoá trên một tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam gồm Vinamilk, Sabeco, Vietcombank, Vingroup… Thành công của Vietjet Air giúp bà chủ Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á góp mặt trong danh sách tỷ phú USD của Forbes với khối tài sản 1,2 tỷ USD.
Bà Thảo sinh năm 1970, tốt nghiệp đại học về kinh tế, tài chính tại Nga. Sau đó, bà bắt đầu buôn bán hàng hóa ở Đông Âu và châu Á trước khi quay trở lại đầu tư trong nước. Hơn 10 năm qua, cơ nghiệp của bà Thảo là một danh mục các dự án đầu tư lớn trong nhiều ngành nghề, từ ngân hàng tới bất động sản và khách sạn, nghỉ dưỡng và vận tải hàng không với Vietjet Air. Các công ty này nằm dưới quyền kiểm soát của Sovico Holdings mà bà Thảo và chồng là doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng là cổ đông chính.
Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, Vietjet Air được thành lập năm 2007 và cất cánh tháng 12/2011. Sau 5 năm, Vietjet Air đã chiếm 40% thị phần hàng không nội địa và mang lại hơn 1,2 tỷ USD doanh thu trong năm 2016. Đến nay, Vietjet Air đã cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines, thậm chí vượt thị phần tại nội địa. Hiện giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của Vietjet Air là 1,8 tỷ USD.
Theo số liệu của Forbes, tính đến ngày 2/10 giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đạt 1,85 tỷ USD, tăng thêm 55% so với thời điểm ngày 8/3/2017, tương đương 42.106 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long - Hòa Phát Group
Ông Trần Đình Long, sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, người sáng lập Tập đoàn Hoà Phát, doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
2016 là năm ghi mốc quan trọng với Hòa Phát khi doanh nghiệp tư nhân này đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Kết thúc năm 2016, Tập đoàn đạt tổng doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh thép chiếm 64,8% tổng lợi nhuận đạt được cả năm, tương ứng gần 4.300 tỷ đồng.
Sau thành công năm 2016, Hòa Phát công bố siêu dự án thép 3 tỷ USD tại Dung Quất và mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 100.000 tỷ đồng, tương đương 4,5 tỷ USD. Theo đánh giá của giới đầu tư, Hoà Phát là công ty phát triển vững bền nhất Việt Nam, vài năm tới có thể có lợi nhuận sau thuế hàng năm trên 10.000 tỷ đồng sau khi dự án thép ở Dung Quất hoạt động.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng từ mức 22% năm 2016 lên mức 24% trong nửa đầu năm 2017, vượt xa đối thủ thứ hai là Thép Pomina (12,5%). Báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2017 của Hòa Phát cho thấy, sau nửa năm doanh nghiệp này đã đạt doanh thu thuần gần 21 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 14% so với cùng kỳ 2016.
Hiện tại, ông Long đang sở hữu 381,5 triệu cổ phiếu HPG. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền sở hữu 110,5 triệu cổ phiếu. Tổng tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Long là 32,4% vốn cổ phần của Hòa Phát. Với giá đóng cửa phiên 4/10 của cổ phiếu HPG là 39.550 đồng, tài sản chứng khoán của vợ chồng ông chủ Hoà Phát khoảng hơn 19.461 tỷ đồng.