Ảnh minh họa. |
Một năm 2015 nhiều biến động đã và đang đi qua nốt những ngày cuối cùng. Trong năm nay, hàng loạt doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo. Chúng tôi xin điểm lại những vụ thay đổi nhân sự lãnh đạo đáng chú ý trong năm.
1. "Nữ tướng" Mai Kiều Liên rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinamilk
Tháng 7 năm nay, bà Mai Kiều Liên-“linh hồn” của công ty sữa lớn nhất Việt Nam-đã quyết định rời ghế chủ tịch HĐQT Vinamilk. Người kế nhiệm bà Mai Kiều Liên là Bà Lê Thị Băng Tâm. Bà Lê Thị Băng Tâm được bầu vào là thành viên HĐQT độc lập Vinamilk hồi tháng 4 năm 2013 là do các cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài và trong nước, đặc biệt trong đó có 3% cổ đông là các CBCNV bầu chọn).
Bà Mai Kiều Liên là đại diện 1 phần vốn góp của SCIC tại Vinamilk. Bà cũng được cho là "linh hồn" của công ty sữa lớn nhất Việt Nam khi gắn liền tên tuổi với những thành công của công ty này. Bà Liên đã đến tuổi nghỉ hưu, do vậy không còn là người đại diện cho SCIC tại Vinamilk.
Rời ghế Chủ tịch, bà Mai Kiều Liên vẫn là Tổng giám đốc của Vinamilk, đồng thời là thành viên HĐQT công ty này.
2. Doanh nghiệp tỷ đô PV Gas thay đổi Tổng giám đốc
Năm 2015 có lẽ không phải là một năm quá vui cho PV Gas. Giá dầu thế giới biến động thất thường khiến PV Gas mất đi ngôi vị vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi giá cổ phiếu rơi thảm, chỉ còn một nửa so với đầu năm.
Thực tế, giá dầu thế giới biến động thất thường là “sự cố” không ai lường trước được. Tuy nhiên, áp lực lớn đến với Tập đoàn Dầu khí và tập đoàn này đã quyết định thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao- có thể là để phù hợp hơn với diễn biến mới.
Ông Lê Như Linh-Chủ tịch HĐQT PV GAS kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc thay cho ông Đỗ Khang Ninh từ hồi tháng 4/2015. Mãi đến tháng 5/2015 thì chức vụ Tổng giám đốc PV Gas mới tìm được người đảm nhiệm. Ông Dương Mạnh Sơn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVGas. Ông Sơn sinh năm 1969, là Kỹ sư cơ khí, ngành Công nghệ Hàn.
3. PVDrilling thay đổi Chủ tịch HĐQT
Không ít đình đám là PVDrilling với quyết định thay đổi chủ tịch HĐQT công ty.
"Ngồi" ghế Chủ tịch HĐQT PVDrilling trong suốt hơn 5 năm nhưng đến tháng 11 năm 2015 thì sự thay đổi nhân sự lớn tại PVDrilling đã xảy ra. HĐQT thông qua việc ông Đỗ Đức Chiến thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT của PVDrilling và sẽ giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT từ ngày 01/12/2015. Ông Chiến đã giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVD từ 04/2010 đến 11/2015.
PVN giới thiệu ông Đỗ Văn Khạnh là người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVDrilling làm thành viên HĐQT và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVDrilling thay cho ông Đỗ Đức Chiến kể từ ngày 01/12/2015.
4. Đại diện SCIC rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinaconex sau gần 4 tháng
HĐQT Vinaconex thống nhất để ông Hoàng Nguyên Học thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ông Vũ Quý Hà cũng thôi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc công ty nhưng vẫn là thành viên HĐQT của Vinaconex.
Ông Hoàng Nguyên Học – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex là đại diện SCIC tại công ty. Ông Học là thành viên HĐTV đồng thời là Phó Tổng giám đốc SCIC. Ông cũng biết đến với vai trò là đại diện SCIC tại Dược Hậu Giang, làm Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang thay “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga từ cuối tháng 4/2014. Thời gian giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex của ông Hoàng Nguyên Học tương đối ngắn ngủi, từ 1/7/2015 đến 20/10/2015. Ông Học sinh năm 1957 - đến năm 2015 là 58 tuổi.
Ông Vũ Quý Hà rời ghế Tổng giám đốc để sang thay thế vị trí của ông Hoàng Nguyên Học, làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Thành viên HĐQT được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay cho ông Vũ Quý Hà.
Như vậy, Vinaconex đồng thời thay thế nhiều vị trí chủ chốt tại HĐQT cũng như Ban điều hành công ty kể từ ngày 20/10/2015.
5. JVC thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao sau biến cố
Biến cố cựu lãnh đạo cấp cao của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) là ông Lê Văn Hướng bị tạm giam đã cướp đi của cổ đông công ty mấy nghìn tỷ đồng vốn hóa. Cổ phiếu lao dốc từ mức 2x còn loanh quanh vài nghìn đồng/cổ phiếu.
Công ty sau đó đã thay hàng loạt nhân sự cấp cao lên nắm quyền. Ông Lê Văn Giáp được bổ nhiệm chức danh giám đốc và chủ tịch HĐQT.
2 Thành viên HĐQT người Nhật cũng rút lui cùng một số lãnh đạo khác. Ban lãnh đạo của JVC hiện nay toàn người Việt.
Sau biến cố, sau nhiều lần ĐHCĐ bất thành, JVC cuối cùng cũng thông qua được kế hoạch kinh doanh năm 2015 với hơn 500 tỷ doanh thu, chưa bằng 45% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng, tương đương chưa đầy 8% so với cùng kỳ.
Thương vụ thay nhân sự lãnh đạo của JVC cũng tốn nhiều giấy mực của truyền thông khi mà người mới chưa kịp nắm bắt mọi thứ của doanh nghiệp thì đã phải đứng lên điều hành. Vai trò của lãnh đạo mới hết sức mờ nhạt tại ĐHCĐ thường niên năm nay.
6. Tập đoàn Đại Dương thay đổi Chủ tịch HĐQT và nhiều nhân sự cấp cao sau “biến cố” Hà Văn Thắm
Thay đổi nhân sự đáng nói trong năm không thể không kể đến Ocean Group. “Biến cố” Hà Văn Thắm không chỉ khiến cổ đông “khóc ròng” khi giá cổ phiếu liên tục giảm sâu mà còn khiến doanh nghiệp phải thay đổi hàng loạt vị trí lãnh đạo cấp cao.
Sau khi miễn nhiệm ông Hà Văn Thắm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Đại Dương đã bổ nhiệm ông Lê Quang Thụ vào vị trí thay thế từ tháng 7/2015.
Ông Lê Quang Thụ trước đó là Phó Chủ tịch HĐQT Ocean Group. Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015 của OGC, ông Thụ là chủ tọa đoàn và đứng lên trả lời nhiều câu hỏi của nhà đầu tư. Ông Thụ đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) - công ty con của OGC.
Một số nhân sự khác cũng được Ocean Group thay thế.
Đến gần cuối tháng 12, Ocean Group cũng bầu ông Hà Trọng Nam-anh trai ông Hà Văn Thắm vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
7. Hoàng Anh Gia Lai bổ nhiệm Tổng giám đốc mới
HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã thông qua việc bổ nhiệm ông Võ Trường Sơn giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty nhiệm kỳ 2015 - 2018. Người tiền nhiệm của ông Sơn là ông Nguyễn Văn Sự.
Ông Võ Trường Sơn sinh năm 1973, là Thạc sĩ tài chính. Trước khi được bổ nhiệm vị trí này, ông Võ Trường Sơn là Phó Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai.
8. FIT thay đổi Chủ tịch HĐQT
Những ngày cuối năm 2015, nhà đầu tư đón nhận thông tin Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T (F.I.T Investment, mã FIT ) đã họp thông qua nội dung bầu ông Nguyễn Văn Sang, thành viên Hội đồng quản trị giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thay thế ông Phan Trung Phương.
Dù không phải là một doanh nghiệp lớn tỷ đô nhưng FIT từ lâu nay thường xuyên nằm trong nhóm cổ phiếu ưa thích của nhà đầu tư. Thanh khoản cổ phiếu Beta cao này không ít những phiên chục triệu cổ phiếu - thuộc top đầu khối lượng giao dịch trên HoSE.
Theo nguồn tin của chúng tôi, quá trình M&A không mệt mỏi suốt mấy năm ròng gần đây đã giúp FIT tăng rất nhanh quy mô. Ông Phan Trung Phương thôi đảm nhiệm vị trí cấp cao tại FIT để điều hành các công ty con trong hệ thống.
9. FLC thay đổi Tổng giám đốc
Cũng giống như FIT, FLC là một doanh nghiệp mới nổi vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng nhanh về cả quy mô vốn, tài sản, doanh thu, lợi nhuận. FLC gây chú ý với thị trường bằng những quyết định khá táo bạo.
Năm 2015, tập đoàn này cũng đã có sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao. Bà Hương Trần Kiều Dung được HĐQT bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, thay ông Doãn Văn Phương.
HĐQT Tập đoàn đã quyết nghị bầu ông Doãn Văn Phương đảm nhiệm chức vụ mới là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT để tập trung nhiều hơn vào việc hoạch định và quản trị chiến lược.
10. Nguyên Tổng giám đốc “rời bỏ” Pan Group sang GTN
HĐQT CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất ( GTN ) công bố quyết định bổ nhiệm ông Michael Louis Rosen làm Thành viên HĐQT, thay thế bà Bùi Thị Thanh Hải đã có đơn từ nhiệm kể từ ngày 18/1/2016. Theo quyết định, ông Michael Louis Rosen sẽ giữ chức danh Phó chủ tịch HĐQT.
Ông Michael Louis Rosen từng giữ chức vụ TGĐ, thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Pan (PAN). Tuy nhiên, ông Michael Louis Rosen đã từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT PAN kể từ ngày 19/1/2016.
Trước đó, ông Muchael Louis Rosen cũng từng giữ chức vụ Giám đốc chiến lược CTCK Sài Gòn (SSI).