Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự báo cho thấy, từ nay tới cuối năm, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn rất lớn. Vì thế, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các đại biểu tập trung tìm kiếm giải pháp thiết thực với nỗ lực cao nhất để có thể đạt mục tiêu đặt ra, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu giai đoạn 5 năm (2021 - 2025).
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP phải tăng khoảng 7,5%. Ảnh: Tiên Giang
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP phải tăng khoảng 7,5%. Ảnh: Tiên Giang

Chỉ rõ khó khăn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kinh tế nước ta những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ như: Bắc Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…

Đặc biệt, hoạt động của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực DN nhỏ và vừa. “Nhiều DN thiếu đơn hàng. Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% - mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Thực tế này cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu 6,5% thì 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP phải tăng khoảng 7,5%.

Căn nguyên của tình trạng này, theo Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế, là do nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, những tháng đầu năm, kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều mục tiêu đặt ra không đạt. Những thị trường cần vốn cao gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước….

Về tình hình vốn cho DN, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, bối cảnh nền kinh tế, nhất là DN đang rất khó khăn nhưng lãi suất cho vay đối với DN vẫn rất cao. Điều này đang tiếp tục làm khó đối với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng DN.

Trước đó, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Nhân dân và cử tri đặc biệt lo lắng về tình hình “sức khỏe” của DN với việc hiện có nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng, DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ khiến thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân rất khó khăn.

Tìm giải pháp vượt thách thức

Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ĐBQH làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế… Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Trình bày trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung cho các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KTXH theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một mặt, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo kết luận của Trung ương về KTXH năm 2023, các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023. Mặt khác, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế…

Trước tình trạng tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu “khựng” lại từ cuối năm 2019 đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh cần phải tăng tốc quá trình này để tăng “trợ lực” cho DN vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, bằng mọi cách Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành địa phương phải đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất, ưu tiên nhất giúp DN phát triển. Theo ông Hòa, hiện có nhiều DN phải ngừng hoạt động, lao động mất việc, thu ngân sách khó khăn nhưng vẫn nên xem xét miễn giảm thuế để hỗ trợ DN, từ đó duy trì nguồn thu ngân sách đồng thời giải quyết được việc làm cho người lao động.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Trần Văn Lâm cho rằng, các ngân hàng đã tham gia hỗ trợ lãi suất cho DN, tuy nhiên, nỗ lực này trong giai đoạn khó khăn vừa qua chưa tương xứng. Nhiều ngân hàng vẫn lãi cao trong khi DN khốn khó. Vì thế, ngân hàng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đồng hành cùng DN, nhằm thực sự đóng góp tích cực, hiệu quả vào tiến trình phát triển của đất nước.