Nỗ lực thích ứng với sự thay đổi

(BĐT) - Chịu tác động mạnh mẽ và khó lường từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm được cách làm mới linh hoạt theo nhu cầu của thị trường dựa trên nguồn lực sẵn có và lợi thế của doanh nghiệp. Quá trình đó đòi hỏi những chuyển đổi nhất định trong hoạt động của doanh nghiệp. Chuyển biến này dự báo sẽ tạo nên những bước ngoặt mới cho doanh nghiệp ngay trong và sau khi dịch qua đi.
Dự báo xu hướng kinh doanh sau dịch là giảm đầu tư vào kinh doanh offline và tập trung nhiều hơn vào online
Dự báo xu hướng kinh doanh sau dịch là giảm đầu tư vào kinh doanh offline và tập trung nhiều hơn vào online

Chuyển hướng theo nhu cầu thị trường

Trong quý I, đã có hơn 6.500 doanh nghiệp tại TP.HCM, hơn 4.240 doanh nghiệp tại Hà Nội giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong cả nước, có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đó là những con số thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Từ thời kỳ đổi mới đến nay, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam gặp thách thức lớn như vậy. Dịch Covid-19 đang tác động rộng khắp, ở các mức độ khác nhau với trên 700 nghìn doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp gặp khó khăn tứ bề, bị đứt nguồn cung, gãy thị trường, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền trả lương cho người lao động. Bài toán Covid vô cùng nặng nề, ám ảnh từng giấc ngủ của nhiều doanh nhân Việt hiện nay”.

Tuy nhiên, bức tranh doanh nghiệp thời gian qua vẫn có một số điểm sáng đáng chú ý. Đó là, đã có nhiều doanh nghiệp tìm được cách thức kinh doanh hoặc sản phẩm mới để mang lại nguồn doanh thu bù đắp cho phần sụt giảm vì dịch Covid-19.

400 triệu khẩu trang y tế là số lượng trong đơn hàng Tổng công ty May 10 vừa ký với đối tác giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc. Các đơn xuất khẩu trang chiếm gần 30% doanh thu của Tổng công ty trong năm nay, góp phần đảm bảo đủ việc làm cho gần 12.000 người lao động.

Nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực dệt may cũng đã tăng cường sản xuất khẩu trang để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu, từ đó mang lại nguồn doanh thu đáng kể và tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương ghi nhận, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng.

Với nhiều doanh nghiệp bán lẻ, “dọn hàng từ kệ sắt lên kệ online” là giải pháp ứng phó với những biến động của thị trường. Hệ thống siêu thị Co.opmart gửi phiếu đặt hàng đến nhiều gia đình để khách hàng chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị qua tổng đài hoặc mạng xã hội. Hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại Hà Nội đã triển khai các kênh mua hàng linh hoạt qua điện thoại, qua app (ứng dụng) cũng như website.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) nhận xét: “Ưu điểm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là tính linh hoạt. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp xoay xở được trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, đặc điểm này cũng rất có lợi trong một nền kinh tế đang phát triển với xu hướng đón nhận và đổi thay diễn ra nhanh chóng hơn. Khi dịch kết thúc, các doanh nghiệp có thể sẽ lựa chọn hướng kinh doanh mới”.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trong giai đoạn trước mắt, sự chuyển đổi cũng không hẳn thuận lợi hoặc khả thi với nhiều ngành nghề. “Có một số ngành mà việc chống dịch cũng hạn chế luôn khả năng kinh doanh của họ. Chẳng hạn, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và e là khó xoay xở tìm hướng tạo doanh thu trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, ở mức độ nào đó, chấp nhận sự thu hẹp của một số hoạt động, ngành nghề kinh doanh, người lao động và nguồn lực của ngành đó chuyển sang lĩnh vực khác”, ông Minh dẫn chứng. 

Thích ứng để tạo cú hích

Ưu điểm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là tính linh hoạt. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp xoay xở được trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Xem xét những chuyển động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, điểm nổi bật nhất là chuyển đổi về công nghệ, điều đó sẽ tạo nên một cú hích đáng kể cho các doanh nghiệp. Có đến 70% hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang chuyển mình theo hướng này. Có nhiều doanh nghiệp hội viên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đã cung cấp dịch vụ ngay trên không gian mạng, thay vì đến tận nơi để trò chuyện.

Từ góc độ một doanh nghiệp công nghệ có hệ sinh thái bao phủ nhiều lĩnh vực, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Next Tech cho rằng, đây là cơ hội vàng để đưa năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân lên một tầm cao mới.

“Các doanh nghiệp công nghệ từng phải “đốt tiền” để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, đại dịch giúp họ làm điều này một cách rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh là tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề. Tôi dự đoán rằng xu hướng sắp tới là giảm đầu tư vào kinh doanh offline và tập trung nhiều hơn vào online. Một xu hướng kinh doanh mới và lớn sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này”, ông Bình nói.

Theo vị chủ tịch tập đoàn này, hiện tại, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian nghe tư vấn và tìm hiểu về công cụ chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp chuyển đổi số không nên nhận hỗ trợ từ Chính phủ mà phải hỗ trợ ngược lại cho xã hội với các giải pháp tốt, rẻ.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Văn Thân, các chủ doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với hoàn cảnh và tìm lối đi phù hợp cho doanh nghiệp mình, trong đó đặc biệt lưu ý cần nắm bắt các chính sách của Nhà nước để tiếp cận sự hỗ trợ; chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào mới; phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ; chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp để tăng năng suất và giảm chi phí.

Tin cùng chuyên mục