Nợ phải thu khó đòi ám ảnh doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết theo dữ liệu cập nhật ngày 1/11 của SSI cho thấy mức giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Nợ phải thu gia tăng cũng ảnh hưởng đến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phải trích lập dự phòng 443,2 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2023, khiến lợi nhuận âm hơn 866,7 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phải trích lập dự phòng 443,2 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2023, khiến lợi nhuận âm hơn 866,7 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Chi phí dự phòng nợ xấu ăn mòn lợi nhuận

Quý III/2023, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC - doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm thép - tiếp tục trích lập dự phòng thêm 21,165 tỷ đồng, nâng tổng số trích lập từ đầu năm lên 202 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Công ty lỗ trước thuế 583,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2023.

Tại thời điểm cuối quý III/2023, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC công bố nợ xấu đối với các khoản phải thu của khách hàng lên tới gần 1.305 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 273 tỷ đồng. Những đơn vị phát sinh khoản nợ lớn có thể kể đến Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng, trích lập 78 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng, trích lập 25 tỷ đồng); Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng, trích lập 22 tỷ đồng). Được biết, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận đều là các công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland).

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 có lãi trở lại 5,2 tỷ đồng sau 4 quý lỗ liên tiếp. Doanh thu từ các dự án lớn như Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, Nhà máy sản xuất hydrogen xanh NEOM… là động lực cho kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ ông Bùi Đức Kiên - Chủ tịch HĐQT LILAMA, kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ gặp nhiều thách thức vì phải trích lập dự phòng nhiều khoản phải thu khó đòi theo quy định.

9 tháng đầu năm nay, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phải trích lập dự phòng 443,2 tỷ đồng, khiến lợi nhuận âm hơn 866,7 tỷ đồng. Nợ phải thu của Công ty tính đến ngày 30/9/2023 lên đến 11.361 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 2.504 tỷ đồng.

Câu chuyện nợ đọng không phải vấn đề mới đối với lĩnh vực xây dựng, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm bê tông như Công ty TNHH Việt Đức, Công ty CP Công trình 207 cho biết, để bù đắp khoản phải thu khó đòi, doanh nghiệp phải vay thêm vốn nên càng làm tăng chi phí.

Áp lực dòng tiền kinh doanh

Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt nguy cơ nợ khó đòi, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng ghi nhận nợ phải thu ngắn hạn cuối quý III/2023 tăng 188% so với đầu năm, lên 1.310 tỷ đồng (tương ứng tăng 855 tỷ đồng). Một số khoản phải thu lớn phải kể đến Công ty CP Sản xuất dầu nhớt Long An (387 tỷ đồng); Công ty CP Kho cảng ngoại quan và Thương mại dầu khí Nam Sông Hậu Gò Công (171 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại Chợ Gạo (214 tỷ đồng)… Nợ phải thu tăng cao là nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm 1.411 tỷ đồng. Để bù đắp, nợ vay của Công ty đã tăng thêm 1.658 tỷ đồng lên 5.636 tỷ đồng, khiến chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm tăng thêm 71,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Dù có lãi 17,3 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2023, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời âm tới 3.764 tỷ đồng do nợ phải thu tăng 84,3% so với đầu năm lên 5.722 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ vay của Lộc Trời cũng tăng 82,5% lên 7.561 tỷ đồng, khiến chi phí lãi vay 9 tháng 2023 tăng gần gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, lên 438 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam… cũng ghi nhận nợ phải thu khó đòi tăng lên đáng kể, đi cùng với đó là gia tăng chi phí trích lập dự phòng và lãi vay. Để cân đối dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã phải lùi lịch trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

Tin cùng chuyên mục