Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn trước mắt, nhưng điều này không có nghĩa không có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Gia An |
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ đầu năm đến nay, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, lên tới trên 21%.
Tín dụng bất động sản tăng trong bối cảnh các chủ đầu tư đang "đói vốn" là đáng mừng. Điều này còn cho thấy, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ khó cho thị trường bất động sản thời gian qua từng bước có hiệu quả.
Tuy nhiên, dòng tiền mới vào thị trường bất động sản gần đây tăng không có nghĩa sẽ sinh lợi ngay, nên các khoản dư nợ tín dụng cũ thanh khoản vẫn chậm.
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9 năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tăng trên 6,04% so với thời điểm 31/12/2022.
Đáng lưu ý, dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36%; 64% còn lại tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng.
Trong khi đó, theo số liệu cập nhật gần nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng - tăng 5% so với cùng kỳ.
Ở một diễn biến khác, theo Bộ Xây dựng, giao dịch bất động sản tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, nếu không nợ xấu bất động sản sẽ gia tăng.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho hay, so sánh với năm 2017 là “đỉnh” của thị trường cho thấy, thị trường bất động sản TP.HCM kể từ sau năm 2017 đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.
Trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hôm 19/11/2023, HoREA đề nghị, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Hiệp hội còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường, để tăng khả năng “chống chịu” cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.
Thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024
Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn trước mắt, nhưng điều này không có nghĩa không có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, những động thái vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua chính là những chỉ dấu tốt cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Và mỗi khi thị trường được khơi thông trở lại, chắc chắn nợ xấu bất động sản sẽ giảm, vì khi có dòng tiền mạnh, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại những khoản vay trước đó.