Nợ khó đòi tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Kết thúc năm 2023, Tổng công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) đạt 11.300 tỷ đồng doanh thu và 645 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả kinh doanh của Viettel Construction thậm chí còn tốt hơn nếu không phải ghi nhận chi phí trích lập dự phòng nợ xấu. Cụ thể, dự phòng nợ xấu của Viettel Construction tại thời điểm cuối năm 2023 lên đến 103,5 tỷ đồng, gấp 3,83 lần so với thời điểm đầu năm. Tổng số nợ xấu là 130,2 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là khoản phải thu Công ty CP Xây dựng FLC Faros (46,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (32,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (20,8 tỷ đồng)...
Được biết, Delta - Valley Bình Thuận và Đà Lạt Valley là 2 công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Trong đó, Delta - Valley Bình Thuận là chủ đầu tư Dự án NovaWorld Phan Thiết với diện tích hơn 986 ha. Còn Đà Lạt Valley là chủ đầu tư Dự án Aqua Waterfront City (Đồng Nai) quy mô 85 ha.
Delta - Valley Bình Thuận và Đà Lạt Valley cũng là những cái tên nằm trong “danh sách đen” nợ xấu của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC. Tính đến cuối năm 2023, SMC đang phát sinh khoản nợ phải thu 440,8 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi 261 tỷ đồng) với Delta - Valley Bình Thuận và 169,2 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi 103,5 tỷ đồng) với Đà Lạt Valley. Ngoài ra, SMC cũng đang phát sinh các khoản nợ xấu với nhiều thành viên khác của Novaland là Công ty TNHH Thành phố AQUA (113,2 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131,5 tỷ đồng), Công ty CP Kinh doanh bất động sản Thái Bình (40,6 tỷ đồng). Đây đều là các khoản phải thu phát sinh trong năm 2023, quá hạn thanh toán từ 6 tháng đến dưới 2 năm.
Tổng giá trị các khoản nợ xấu của SMC tính đến cuối năm 2023 là 1.313 tỷ đồng. SMC đánh giá có khả năng thu hồi các khoản phải thu từ các doanh nghiệp thành viên của Novaland, dù các doanh nghiệp này đang có những khó khăn nhất định.
Việc trích lập dự phòng nợ xấu cũng là một nguyên nhân khiến SMC lỗ tới 925 tỷ đồng trong năm 2023. Bên cạnh đó, SMC cũng phải rao bán nhiều tài sản như quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM và SMC Bình Dương; 13,1 triệu cổ phần Công ty CP Thép Nam Kim, để thanh toán các nghĩa vụ tài chính trước áp lực thiếu hụt dòng tiền.
Nợ đọng luôn là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái vào năm ngoái. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons trích lập dự phòng hơn 227 tỷ đồng, tương đương 70% khoản phải thu ngắn hạn từ Công ty CP Xây dựng Coteccons. Lần đầu tiên Ricons trích lập dự phòng khoản phải thu kể trên. Hay con số nợ phải thu khó đòi tính đến cuối năm 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tăng thêm 553 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, từ 2.711 tỷ đồng lên 3.264 tỷ đồng. Hòa Bình cho biết, giá trị có thể thu hồi là 788,3 tỷ đồng.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết rất đồng cảm với khó khăn của các chủ đầu tư dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng đã bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 đến nay. Tuy nhiên, chủ đầu tư nếu không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cần phải có kế hoạch, lịch thanh toán cụ thể cho nhà thầu và phải trả lãi chậm thanh toán. “Mặc dù vậy, nhiều chủ đầu tư không có thiện chí, không chịu xác nhận công nợ, không chịu cam kết trả lãi. Trong trường hợp xấu, Hòa Bình đành phải khởi kiện ra tòa”, ông Lê Viết Hải cho hay.
Cũng liên quan đến nợ phải thu, vào cuối tháng 1/2023, Công ty CP LIZEN thông qua việc nhận chuyển nhượng 23 căn hộ tại Dự án Toà nhà phức hợp cao tầng, nhà ở chung cư và dịch vụ thương mại khu tái định cư Đê Đông tại Quy Nhơn, Bình Định do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 làm chủ đầu tư, để cấn trừ công nợ với Vina2.
Trong lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng ghi nhận 5.689 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi vào thời điểm cuối năm 2023 và đã trích lập dự phòng 3.723 tỷ đồng. Trong đó, ACV trích lập dự phòng toàn bộ khoản phải thu 2.099 tỷ đồng với Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), 839,3 tỷ đồng với Công ty CP Hàng không Pacific Airlines và 244,5 tỷ đồng với Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Hay Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn đang ghi nhận khoản phải thu khó đòi hơn 100 tỷ đồng với các hãng bay.
Tại một báo cáo gửi đến Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV cho biết sẽ thực hiện các thủ tục khởi kiện các hãng bay chây ì trả nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vi phạm hợp đồng.
Trải qua năm 2023 khó khăn, nhiều doanh nghiệp ghi nhận nợ phải thu khó đòi tăng lên đáng kể, đi cùng với đó là gia tăng chi phí trích lập dự phòng và gây khó khăn trong việc cân đối dòng tiền cho các nghĩa vụ thanh toán khác.
Tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Novaland, Công ty TNHH PwC đã nhấn mạnh, sự tác động kết hợp của việc thiếu hụt dòng tiền, các nghĩa vụ nợ ngắn hạn đến hạn trả, và các hạn chế về khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính đã gia tăng áp lực thanh khoản trong ngắn hạn cho Novaland. Ngoài ra, tại ngày lập bảng cân đối kế toán hợp nhất, Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Novaland là 196.183 tỷ đồng, gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu.