Nợ xấu tăng nhanh, làm sao “hạ nhiệt”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng mức nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng đáng kể trong năm qua và được xem là một trong những thách thức của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tăng trích lập dự phòng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, các chính sách siết tín dụng rủi ro đang và sắp được thực thi sẽ giúp kiểm soát nợ xấu tốt hơn trong thời gian tới.
Năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới trên 420%. Ảnh: Trần Việt
Năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới trên 420%. Ảnh: Trần Việt

Báo cáo tài chính quý IV/2021 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy khối nợ xấu gia tăng đáng kể trong năm qua. Trong đó, nợ xấu của VPBank tính đến cuối năm 2021 đã tăng 60% so với năm 2020; VietinBank tăng hơn 50%; VIB tăng gần 58%; Vietcombank tăng 17%...

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng các khoản nợ xấu/nợ xấu) của nhiều ngân hàng cũng ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ này ở Vietcombank lên tới trên 420%, BIDV có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, VietinBank ở mức 171%, Techcombank là 184%, MBBank 233%, ACB 198%...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đủ các khoản nợ đang được cơ cấu lại có nguy cơ trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2021 khoảng 7,31%. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, một trong những khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng trong thời gian tới là nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh; doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn dẫn đến khó đảm bảo thực hiện mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, song cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đến cuối năm 2021, có khoảng 600 nghìn tỷ đồng nợ được cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Thời gian tới, con số này sẽ còn lên cao hơn do dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu.

NHNN cho biết đã xác định quy mô nợ xấu trong năm 2022 và những năm tới để đưa ra giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, kiểm soát, vừa không để nợ xấu tăng thêm.

Cụ thể, NHNN sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Với Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD gần hết hiệu lực, NHNN trình Chính phủ, Quốc hội xem xét nâng Nghị quyết thành Luật Xử lý nợ xấu.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng là mối lo, tuy nhiên, từ phía các ngân hàng và cơ quan điều hành chính sách cho thấy đã có sự chuẩn bị và vào cuộc để kiểm soát con số này.

Trước hết, các ngân hàng chú trọng tăng trích lập dự phòng theo yêu cầu của NHNN trong việc thực thi chính sách cơ cấu lại nợ. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Thông tư số 52/2018/TT-NHNN về xếp hạng TCTD đang được tính toán sửa đổi theo hướng hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của TCTD; từ đó tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra biện pháp xử lý đối với từng TCTD nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD…

Việc đề xuất nới thời hạn thực thi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD cũng tạo điều kiện cho quá trình này tiếp tục thực hiện thuận lợi song song với việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thêm vào đó, việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát tín dụng bất động sản tốt hơn.

Ở khía cạnh khác, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Chính phủ cũng liên tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT…

“Chúng ta đã có nhiều bài học về nợ xấu và tác hại của nợ xấu với nền kinh tế. Những động thái của cơ quan chức năng và các ngân hàng trong năm qua cho thấy đã có sự chuẩn bị nên có thể kỳ vọng là nợ xấu dù có tăng trong thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và khống chế”, ông Linh nhận định.

Tin cùng chuyên mục