TPP đưa ra chế tài đối với những hành vi gây thiệt hại môi trường. Ảnh: Nguyên Tiêu |
Để chủ động và sẵn sàng thực thi TPP, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ công tác thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường trong TPP, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.
Mức độ tương thích cao
Phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương lên hệ thống pháp luật môi trường của Việt Nam” vừa được Bộ TN&MT tổ chức, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, thực thi đầy đủ các cam kết môi trường trong TPP không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, thúc đẩy tuân thủ và thực thi pháp luật môi trường, qua đó góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ môi trường.
Theo rà soát của ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia tư vấn về môi trường, trong TPP, số lượng cam kết cần nội luật hóa không quá lớn, với 46 cam kết cần nội luật hóa và 56 cam kết không phải nội luật hóa. Trong 46 cam kết cần nội luật hóa thì chỉ có 23 cam kết (tương đương với 50%) là bắt buộc.
Mặt khác, khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường của Việt Nam, ông Đức cho biết, mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam đối với Chương Môi trường trong TPP ở mức cao. Chỉ có một vài trường hợp cần điều chỉnh pháp luật trong nước để phù hợp với TPP. “Mặc dù có những cam kết chỉ mang tính biện pháp, ghi nhận, khuyến khích, nhưng vì môi trường của Việt Nam, chúng ta nên khuyến khích điều chỉnh một số quy định để bảo vệ tốt môi trường trong nước” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo quy định về thủ tục trong TPP, Việt Nam sẽ phải công bố thông tin về pháp luật môi trường: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Thanh tra; cùng với đó, các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính phải thực hiện công khai. TPP yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm quyền tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Ngoài ra, TPP cũng đưa ra chế tài phù hợp, bao gồm cả đòi bồi thường và trừng phạt với các mức chế tài tùy thuộc vào bản chất của hành vi, thiệt hại môi trường và lợi ích kinh tế.
Có lộ trình thực thi cam kết
Ông Phan Tuấn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ TN&MT cho biết, một trong những điểm đáng chú ý trong Chương Môi trường của TPP là đưa ra cơ chế cho các thành viên hợp tác với nhau cùng giải quyết vấn đề môi trường. “Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Trước đây chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Với TPP, chúng ta có thể thúc đẩy được việc thực thi pháp luật về môi trường. TPP cũng đưa ra nhiều cơ chế hợp tác trong bảo vệ môi trường” - ông Phan Tuấn Hùng cho biết.
Tại Hội thảo, ông Hùng cũng đưa ra các ý tưởng về xây dựng lộ trình thực thi những cam kết về môi trường trong TPP. Theo đó, Việt Nam sẽ cần phải xác định các cam kết và yêu cầu thực thi, phổ biến thông tin tới các bên liên quan, thiết lập các thiết chế, cơ chế thực thi, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực thi, đánh giá tác động môi trường từ TPP…
Từ đó, Việt Nam sẽ phải tiến hành điều chỉnh luật pháp, cải thiện hoạt động thực thi, tăng cường tuân thủ luật pháp, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực… Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, xử lý các rào cản kỹ thuật trong thương mại để thực thi các cam kết môi trường trong TPP. Theo ông Hùng, vì nhu cầu nội tại thì quyết tâm chính trị dành cho vấn đề môi trường cần phải thay đổi ngay cả khi không có TPP.