Thông tin nới room tín dụng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản. Ảnh: Ngô Ngãi |
Động thái tích cực
Ngày 7/9/2022, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Theo đó, có khoảng 15 ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tín dụng trong đợt này, với mức room điều chỉnh giao động từ 0,7 - 4%, như: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%; SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%;…
Ngay tức khắc, thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng trên thị trường bất động sản. Bởi, trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía do kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái tích cực.
Điều này là đương nhiên, vì việc nới room tín dụng sẽ giúp nguồn tiền được bơm trực tiếp vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề như dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.
Gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng
Trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi, theo ông Khương, việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng.
Do đó, có thể nói, xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay chính là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.
Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.
Khảo sát ý kiến từ các chủ đầu tư, hầu hết cho rằng, bên cạnh nguồn lực và tài chính thì thủ tục, cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, bởi không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý.
Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực lần này sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới với 10,06 tỷ USD vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, bất động sản là phân khúc đứng thứ hai, chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những “món hàng” được săn lùng bởi các nhà đầu tư.
Để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả miền Bắc và miền Nam.
"Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới", bà Trang Bùi nhận định.