UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn Thành phố. Ảnh minh họa: Internet |
Hà Nội muốn tăng 30% giá đất, chuyên gia nói còn thấp
UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn Thành phố áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024. Theo đó, giá các loại đất được đề xuất tăng bình quân 30%.
Trong quá trình lấy ý kiến, liên ngành TP. Hà Nội đề xuất giá đất ở đô thị cao nhất thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ, cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2.
Cũng trong phương án điều chỉnh mức giá đất áp dụng trong giai đoạn 2020 - 2024, giá đất ở đô thị thấp nhất được đề xuất là hơn 4,5 triệu đồng/m2, thuộc địa bàn quận Hà Đông.
Việc điều chỉnh giá đất được UBND TP. Hà Nội cho biết nhằm góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường và sự cân đối giá đất giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn Thành phố.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam nhận định, việc điều chỉnh giá đất theo hướng tiệm cận hơn với thị trường là cần thiết.
Nếu được thông qua, việc tăng giá này sẽ giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường. Tuy nhiên, dù có điều chỉnh tăng ở mức nêu trên, ông Quang cho rằng, vẫn còn khoảng cách tương đối xa giữa giá thị trường với khung giá của Nhà nước tại một số khu vực.
Ông Quang lấy ví dụ: Theo Dự thảo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở các khu vực này, giá đất rơi vào 500 - 600 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn nữa.
Đánh giá về tác động của lần điều chỉnh này, ông Quang cho rằng, việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bất động sản Hà Nội, và nếu có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do thị trường, giá thành.
Với sự điều chỉnh này, đại diện JLL Việt Nam cho biết, người có đất trong diện thu hồi sẽ có lợi hơn. Việc thu hồi đất, đàm phán cho dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ thuận lợi hơn, giảm thiểu tranh chấp do mức giá đền bù quá thấp. Ngoài ra, Nhà nước thu được thuế, phí nhiều hơn. Nhưng những người chưa có đất, chưa sở hữu bất động sản thì sẽ bất lợi hơn.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thực tế, bảng giá đất chỉ ảnh hưởng đến thuế và phí. Đã đến lúc bảng giá đất phải được quy định bằng giá thị trường để tránh thất thu ngân sách.
Ông Võ nói, giá đất hiện nay tại khu vực phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào là hơn 800 triệu đồng/m2, nhưng trong Dự thảo chỉ đưa ra giá cao nhất là hơn 200 triệu đồng/m2; như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách.
Do vậy, ông Võ kiến nghị mức tăng cần tiệm cận, thậm chí bằng giá thị trường. Nếu thấy việc tăng này làm mức thuế, phí “nặng nề” hơn thì có thể tính toán giảm tỷ suất thuế.
Với việc nâng giá như vậy, ông Võ cho rằng sẽ có tác động tốt cho thị trường bất động sản. Về lâu dài, thị trường sẽ bớt đầu cơ. Nếu giảm được đầu cơ thì chắc chắn giá đất sẽ giảm.
Đề xuất tăng gấp đôi trần khung giá đất ở TP.HCM
HoREA cũng vừa gửi UBND TP.HCM văn bản đề xuất một số kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung giá đất (mới) cho giai đoạn 2019 - 2024.
Cụ thể, HoREA cho rằng, các văn bản hiện hành về định giá khung giá đất đang dẫn đến tình trạng giá đất của các tỉnh, thành trực thuộc trung ương bất hợp lý. Đơn cử như bảng giá đất TP.HCM chỉ bằng khoảng 30 - 50% giá trên thị trường.
Theo HoREA, mức tăng 30% được xem là hợp lý, vì nếu tăng quá cao có thể dẫn đến lợi bất cập hại về lâu dài. Nếu đề xuất mức tăng cao hơn, trước mắt có thể làm nguồn thu ngân sách nhà nước tăng nhưng về lâu dài sẽ tác động xấu đến doanh nghiệp.
HoREA cũng cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2014 để công bố khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn từ năm 2019 - 2024, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014 để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.
Qua đó, Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 104/2014 về phân vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất, đề xuất chia thành 12 vùng như sau: Vùng miền núi phía Đông Bắc; vùng miền núi phía Tây Bắc; vùng trung du phía Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải Trung Trung Bộ; vùng duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Bắc Tây Nguyên; vùng Nam Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng Bắc sông Hậu; vùng đồng bằng Nam sông Hậu.
Riêng tại TPHCM, HoREA đưa ra 3 phương án kiến nghị khung giá đất đối với loại đô thị đặc biệt, cao nhất là tăng gấp đôi mức giá tối đa so với hiện nay. Tuy nhiên, phương án mà HoREA cho là khả thi nhất chính là cần phải giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Góp ý về khung giá đất hiện nay, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính - cho rằng, trên thực tế, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường. Tương tự như thế, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Chính điều này đã dẫn đến những điểm nghẽn trong việc giải phóng mặt bằng.