Nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước

(BĐT) - Nền kinh tế đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” bằng nhiều sự nỗ lực, trong đó có nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường niềm tin của doanh nghiệp (DN)... Báo Đấu thầu ghi nhận một số ý kiến về triển vọng đầu tư kinh doanh và những giải pháp, đề xuất từ các DN, doanh nhân, góp sức phát triển nền kinh tế.
Ảnh: Lê Tiên
Ảnh: Lê Tiên

Thu hút nguồn vốn trong dân cho dự án đường bộ, đường sắt cao tốc

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Ở góc nhìn của cộng đồng DN, chúng tôi tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt khoảng 6 - 6,5%/năm.

Việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 và những năm sắp tới.

Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho DN, người lao động.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và nghiên cứu triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xây dựng một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của DN và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.

Lấy chất lượng, giá cả và văn hóa để tạo lợi thế cạnh tranh

Bà Trần Thị Thu Trang, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất gia công và Nhập khẩu Hanel (Hanel PT)

Hanel PT là DN chuyên sản xuất, xuất khẩu các linh kiện điện tử cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng như thị trường trong nước. Để thuyết phục được khách hàng, chúng tôi đã chứng minh bằng chất lượng, giá cả cạnh tranh và cả văn hóa mang lại lợi ích cho xã hội.

Với triết lý kinh doanh “ngũ phương hưởng lợi”, bao gồm: khách hàng, nhân viên, môi trường, đất nước và DN để làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, Hanel PT luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, coi nhân viên là tài sản quý giá, coi trọng chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như uy tín và niềm tin của đối tác. Đặc biệt, DN luôn sáng tạo, đổi mới nhằm làm ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Chẳng hạn, nhận thấy rằng, trong sản xuất nông nghiệp nước ta thường tái diễn tình trạng “được mùa, mất giá”, Hanel PT đã nghiên cứu, sản xuất máy sấy lạnh đa năng thông minh, giúp người nông dân giảm nỗi lo mất giá khi được mùa, nâng cao giá trị hàng hóa từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong bối cảnh sản xuất xanh, sản xuất bền vững trở thành xu thế không thể đảo ngược, Công ty đã thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh doanh bền vững, tạo tác động tích cực cho xã hội.

Nhờ không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hành ESG, Công ty đạt được những kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng doanh số của Hanel PT vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu về sản xuất xanh, sản xuất bền vững ngày càng lớn.

UDIC tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước

Ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, UDIC vẫn kiên định sứ mệnh và tầm nhìn của mình, luôn đặt chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hàng đầu. Chúng tôi luôn coi trọng việc đổi mới sáng tạo, từ sản phẩm, dịch vụ đến quy trình làm việc. UDIC cũng không ngừng đầu tư vào đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, người lao động để liên tục phát triển bền vững nguồn nhân lực. Đồng thời không ngừng tìm kiếm những thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và luôn coi trọng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với đối tác, khách hàng.

Với niềm tin mãnh liệt, khát vọng không ngừng và những kinh nghiệm đã tích lũy được, UDIC tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước. Trong quá trình hoạt động của mình, niềm tin vào đội ngũ người lao động tài năng, vào sức sáng tạo và vào sự ủng hộ của khách hàng đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của UDIC. Chính niềm tin này đã giúp Tổng công ty vượt qua những khó khăn, thách thức và luôn hướng tới tương lai tươi sáng. Bên cạnh đó, UDIC cũng lấy khát vọng làm động lực để vươn lên. Mục tiêu của UDIC là trở thành một DN hàng đầu của Thủ đô. Đây là “kim chỉ nam” luôn thôi thúc UDIC nỗ lực, nâng cao tay nghề, trình độ của đội ngũ cán bộ người lao động và công nghệ, không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới để trụ vững trong các hoàn cảnh khó khăn và phát triển bền vững.

May 10 sẽ dồn tâm huyết phát triển thị trường trong nước

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Năm 2024, mặc dù thị trường thế giới có nhiều bất ổn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng các DN đón nhận được nhiều đơn hàng, là động lực cho ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024.

Tại May 10, các đơn hàng từ nay tới cuối năm đã đầy đủ, tạo thuận lợi cho Tổng công ty bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Với kết quả kinh doanh trong 9 tháng và dự kiến 3 tháng cuối năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu xuất khẩu với mức tăng trưởng dự kiến từ 7 - 10% so với năm 2023, có thể vượt một chút so với kế hoạch đặt ra. Với đà này, May 10 đang ngày càng về gần hơn với mức tăng trưởng của năm 2022 - năm có mức tăng trưởng tương đối tốt của DN (tổng doanh thu 4.500 tỷ đồng).

Với thị trường trong nước, sức cầu dệt may chưa thực sự hồi phục hoàn toàn so với trước đại dịch Covid-19. Do đó, May 10 cố gắng giữ vững và duy trì hiệu quả tương đương năm 2023. Tất nhiên chúng tôi sẽ dồn tâm huyết cho việc phát triển thị trường trong nước, đây được coi là một phần trong chiến lược trung và dài hạn của May 10.

Hiện May 10 cũng phải đối mặt với thách thức chung của toàn ngành, đó là không đủ lao động tuyển mới để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Mặt khác, những thuận lợi hiện nay cũng chỉ trong ngắn hạn, còn về dài hạn, tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, khiến DN chưa thể dự báo cụ thể, rõ ràng cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025. Những biến động này có thể là cơ hội cho DN có thể tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng có thể là thách thức nếu diễn biến theo hướng tiêu cực.

Lợi thế phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang nghiêng về Việt Nam

Bà Cao Thị Khánh Chi, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn VITTO

Trong thời gian tới, cơ hội phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng là rất lớn. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về mặt sản lượng, theo kịp công nghệ sản xuất, bắt kịp xu hướng thị trường vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với thách thức rất lớn về khả năng cạnh tranh về giá. Sản phẩm của chúng ta thường có giá thành cao hơn quốc gia khác. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu, vận tải chiếm tỷ trọng khá lớn.

Hiện nay, Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá với Ấn Độ và đây chính là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt thị trường. Cùng với Mỹ, thị trường châu Âu cũng nhiều tiềm năng và họ sẵn sàng chấp nhận giá sản phẩm cao. Muốn bước ra thị trường toàn cầu, thì chúng ta phải đối diện với cuộc chơi sòng phẳng với các nước khác.

Nhưng điều quan trọng là sản phẩm của chúng ta có đáp ứng được tiêu chuẩn mà họ đòi hỏi hay không, như sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường…? Thực tế, Việt Nam đang có gần 90 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, nhưng số nhà máy có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để nắm bắt kịp thời cơ hội phát triển, trước tiên, DN phải sản xuất tinh và gọn để có giá cạnh tranh. Phải đi trên hai chân, không chỉ quanh quẩn trong thị trường nội địa, cũng như tránh sự lệ thuộc vào một thị trường. Các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo nên một cộng đồng mạnh, cùng nhau tiến ra thị trường rộng lớn ở bên ngoài.

Cùng với đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế, quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững… Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, logistics đồng bộ để tiết giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa ngày càng tăng.

Thời gian vừa qua không phải là giai đoạn phát triển tốt của thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng. Trong giai đoạn khó khăn đó, VITTO đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, quyết định chuyển đổi công nghệ sản xuất cũ sử dụng năng lượng than phát thải nhiều khí carbon sang nguyên liệu thân thiện với môi trường như viên nén, bã và vỏ hạt điều… phù hợp với xu hướng chung, nắm bắt cơ hội của người tiên phong, đi đầu, từ đó tạo tác động lan tỏa tới cộng đồng.

Khát khao tạo ra các giải pháp AI mang tính đột phá

Ông Phạm Kim Cương, Giám đốc chiến lược sản phẩm VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup

Việt Nam đang ở vị thế tương đối thuận lợi để nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong năm 2023, hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư vào các startup công nghệ tại Việt Nam, tương đương với “con rồng” công nghệ Singapore. Chúng ta trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều DN công nghệ lớn trên thế giới như: Intel, Amkor, Marvell…

Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của châu Á, trở thành điểm sáng trong phát triển và ứng dụng AI trên toàn cầu. Với thứ hạng TOP 30 thế giới về nghiên cứu AI, chúng ta đang dần vươn lên với các đóng góp đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng. Các sản phẩm và dự án AI của các công ty Việt Nam như VinAI cũng đang được công nhận và sử dụng rộng rãi.

Để nuôi dưỡng tài năng AI tương lai, tại VinAI, chúng tôi đã triển khai thành công chương trình AI Residency đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình tập trung đào tạo nguồn nhân lực để góp phần vào hệ sinh thái AI của Việt Nam.

VinAI đã thu hút được rất nhiều chuyên gia, kỹ sư AI, đặc biệt là các chuyên gia người Việt tài năng từ nhiều tập đoàn công nghệ lớn trở về cùng phát triển ngành AI trong nước.

Điểm đặc biệt là mỗi thành viên trong VinAI đều tin rằng, chúng ta có thể mang AI Việt Nam ra khắp thế giới, khẳng định vị thế của người Việt trong lĩnh vực AI với khát khao tạo ra các giải pháp AI mang tính đột phá không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn góp phần thay đổi thế giới.

Thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Khuôn mẫu chính xác M&H Việt Nam

Công ty TNHH Khuôn mẫu chính xác M&H Việt Nam là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí. Hai ngành nghề chính của Công ty là thiết kế, chế tạo khuôn mẫu và sản xuất sản phẩm nhựa cung cấp cho các thương hiệu như Vinfast, Canon, HJC Hàn Quốc, Sunhouse…

Các DN quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí như chúng tôi gặp nhiều khó khăn về tuyển dụng lao động. Các bạn trẻ hiện nay không mặn mà lĩnh vực này vì đây là ngành nghề vất vả mà thu nhập chưa cao. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên trong ngành cơ khí lại hướng đến đi xuất khẩu lao động vì thu nhập cao hơn trong nước. Do vậy, thu nhập sẽ là yếu tố đầu tiên để thu hút người lao động trụ lại với nghề.

Theo tôi, cần tập trung nguồn lực thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống DN công nghiệp nội địa. Đồng thời nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của DN FDI. Khi công việc của DN trong nước được tăng lên thì mới có thể tăng lương cho người lao động, qua đó thu hút họ làm việc lâu dài trong lĩnh vực này. Ngoài ra, rất cần tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, DN trong và ngoài nước tổ chức một số chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cụ thể để người trẻ có định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục