Việt Nam đã giải ngân 52,089 tỷ USD vốn ODA trong 22 năm qua. Ảnh: Lê Tiên |
Không quản lý chặt, vốn rẻ hóa đắt
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 27,782 tỷ USD, bằng 131% so với giai đoạn 2006 - 2010. Không chỉ đột phá trong việc đàm phán, ký kết vay vốn ODA, mà còn có bước đột phá trong giải ngân khi mà trong 5 năm vừa qua, giải ngân nguồn vốn này đạt 22,325 tỷ USD, bằng 160% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Từ kết quả khả quan đã đạt được, Chính phủ tính toán, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết được vào khoảng 20 - 25 tỷ USD; giải ngân đạt 25 - 30 tỷ USD (bao gồm cả 22 tỷ USD đã đàm phán, ký kết của các giai đoạn trước chưa kịp giải ngân).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong việc huy động vốn ODA trong 22 năm qua với tổng số vốn đã ký kết lên đến 74,368 tỷ USD và tổng vốn giải ngân đạt 52,089 tỷ USD.
Vốn ODA có ưu điểm là thời gian vay dài (thường là 20 - 30 năm), giải ngân kịp thời, đặc biệt là lãi suất thấp, nhưng nếu không quản lý chặt, sử dụng nguồn vốn này rẻ lại hóa đắt.
Nguồn vốn này, theo bà Nga, đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chương trình, công trình, dự án hoàn thành đã đi vào khai thác phục vụ đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí để thất thoát, lãng phí và tham nhũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo bà Nga là hành lang pháp lý quản lý, sử dụng vốn ODA chỉ bị điều chỉnh ở cấp độ nghị định và quy định của nhà tài trợ. Các quy định này còn phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp. Việc đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các văn bản hiện hành chỉ mang tính nguyên tắc, chưa được cụ thể hóa hết vào quy trình quản lý, sử dụng ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng xin, cho, “cò dự án”, tiêu cực, tham nhũng.
Để bảo đảm sử dụng vốn ODA trong giai đoạn tới đạt hiệu quả, đúng mục đích, bà Nga đề nghị Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng ODA, trong đó quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ vốn.
Vốn ODA có ưu điểm là thời gian vay dài (thường là 20 - 30 năm), giải ngân kịp thời, đặc biệt là lãi suất thấp, nhưng theo bà Nga, nếu không quản lý chặt, sử dụng nguồn vốn này rẻ lại hóa đắt.
Vay ODA đã tính đến nợ công
Bàn về sử dụng vốn ODA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tiên đề cập đến một hiện tượng đã trở thành phổ biến đó là việc nhiều đại biểu Quốc hội được mời dự hội nghị, hội thảo ở khách sạn 5 sao để phát biểu ý kiến về dự án ODA nào đó. Đối với dự án ODA không hoàn lại thì không vấn đề gì, nhưng với dự án ODA hoàn lại thì tất cả chi phí này được tính vào vốn vay, liên quan trực tiếp tới nợ công và người trả nợ là thế hệ mai sau.
Ông Tiên cũng lấy ví dụ, một đại biểu Quốc hội nếu tham gia vào một đề án nào đó với tư cách là chuyên gia thì chỉ được trả 2,5 triệu đồng/hợp đồng, nhưng nếu làm việc cho dự án ODA thì được trả 50 - 60 triệu đồng/hợp đồng, mặc dù chất lượng không khác nhau nhiều. Từ đó, ông Tiên khuyến cáo, việc vay vốn ODA phải hết sức cẩn thận, vì sẽ tăng gánh nợ công, tăng nguồn trả nợ cả vốn lẫn lãi hàng năm khiến ngân sách không đủ tiền để đầu tư phát triển, lại phải vay nợ trong nước để trả nợ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch vay vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi giai đoạn 2016 - 2020 đã tính đến vấn đề nợ công và bội chi ngân sách nhà nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Cụ thể, với mức vay nợ kể trên, cộng với lượng phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm thì vào năm 2020, nợ công không quá 65% GDP.
Hiện Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020, từ đó xây dựng kế hoạch vay và trả nợ vay đến năm 2020 trên tinh thần dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội: tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,5 - 7%, lạm phát không quá 5%, bội chi dưới 4,9%, phát hành trái phiếu chính phủ dành cho đầu tư phát triển là 260.000 tỷ đồng, giải ngân ODA (vốn đối ứng trong nước) là 250.000 tỷ đồng. “Nếu chúng ta thực hiện được như vậy thì đảm bảo nợ công đến năm 2020 chỉ còn tương đương 58,5% GDP sau khi “lên đỉnh” với mức nợ công tương đương 64,3% GDP vào năm 2017”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tính toán.