Việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh phải được quy định bằng một Nghị định của Chính phủ. Ảnh: NC st |
Nhiều bất cập, thiếu giám sát
Nhận định mới đây của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy, hiện trạng sử dụng vốn ODA của các địa phương còn nhiều bất cập.
Thứ nhất là hiệu quả đầu tư chưa cao vì hầu hết dự án thiếu vốn đối ứng, chậm tiến độ (thời gian thực hiện trung bình là 8 - 10 năm, khoảng 90% dự án phải gia hạn ít nhất 1 lần) kéo theo tăng chi phí. Vấn đề thứ 2 là thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương và vấn đề thứ 3 là phân bổ không đồng đều.
Mới đây, tại một hội thảo về cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh do Bộ Tài chính tổ chức ở TP.HCM, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị “tốt nghiệp” các nguồn vốn ODA. Đến năm 2017 sẽ chuyển dần sang vay vốn thương mại, có điều kiện gần thị trường, trong khi đó, việc xây dựng năng lực quản lý nợ của địa phương chưa được chú trọng.
Thực tế cho thấy, các quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nằm ở Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Cố vấn pháp lý thuộc Bộ Tài chính, Nghị định 78 vẫn còn một số hạn chế. Đó là Nghị định áp dụng trực tiếp, không giao hướng dẫn cụ thể. Nghị định chưa có quy định về: Lĩnh vực thực hiện cho vay lại (phân biệt với cấp phát theo Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý nợ công); Tỷ lệ cho vay lại cho từng địa phương (Luật chỉ quy định chung là cho vay lại toàn bộ hoặc một phần).
Cần hoàn thiện cơ chế pháp lý
Theo các chuyên gia, một số bất hợp lý về nguồn vốn vay nước ngoài đã phát sinh. Trong nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ tại địa phương thì tỷ lệ cấp phát chiếm đến 92,15%, còn cho vay lại chỉ chiếm 7,85%.
Trong khi đó, cơ cấu phân bổ nguồn vốn cho vay giữa cấp phát, cho vay lại chưa trên cơ sở thuận lợi, khó khăn của ngân sách địa phương. Đó là: Có địa phương có nguồn thu điều về ngân sách trung ương. Có địa phương phải trợ cấp từ ngân sách trung ương.
Nguyên nhân được lý giải là do nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2004 - 2014 dồi dào, có nhiều thuận lợi (mức ưu đãi cao, phần lớn đạt điều kiện ODA). Trong giai đoạn này, hầu hết các địa phương ngân sách còn khó khăn, ngân sách trung ương cần chia sẻ thuận lợi về nguồn vốn vay nước ngoài cho địa phương để phát triển. Trong khi các quy định pháp luật về cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh còn thiếu cụ thể và chi tiết, gây khó khăn trong thực hiện.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng việc hoàn thiện pháp lý về cho vay lại UBND cấp tỉnh là điều cần thiết. Bởi vì nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ thu hẹp, nợ công tăng cao. Yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ dẫn đến phải đề cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh phải được quy định bằng một Nghị định.
Có 3 phương án để lựa chọn cho vấn đề này. Đó là: Ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 78/2010/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2010/NĐ-CP; Tách nội dung cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh ra khỏi Nghị định số 782010/NĐ-CP để ban hành nghị định riêng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các phương án này cũng là vấn đề nan giải. Nếu chọn phương án 1 thì việc ban hành Nghị định thay thế sẽ cần phải có thời gian, dẫn đến chậm trễ, không kịp thời. Nếu chọn phương án 2 thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ gặp khó khăn về kỹ thuật văn bản.
Trong khi đó, phương án 3 được cho là khả thi. Bởi vì ngoại trừ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh, các nội dung khác của Nghị định 78/2010/NĐ-CP không có vướng mắc.
Vì vậy, nhiều ý kiến nhận định không cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế, nhất là khi việc triển khai cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh đã trở nên cấp bách hơn (từ nguồn vốn, từ phía yêu cầu nâng cao hiệu quả…).