Ông Đinh La Thăng nhậm chức Phó ban Kinh tế Trung ương

Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương - ông Mai Văn Chính đã công bố quyết định của Bộ Chính trị, bổ nhiệm ông Đinh La Thăng giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương.
Ông Đinh La Thăng chính thức nhậm chức Phó ban Kinh tế Trung ương từ ngày 11/5
Ông Đinh La Thăng chính thức nhậm chức Phó ban Kinh tế Trung ương từ ngày 11/5

Ngày 11/5, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Tại hội nghị ông Mai Văn Chính - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều chuyển ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng thôi giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM (nhiệm kỳ 2015 - 2020) để nhận nhiệm vụ Phó ban Kinh tế Trung ương.

Như vậy, một ngày sau khi nhận quyết định thôi chức Bí thư TP HCM, ông Đinh La Thăng đã chính thức nhận nhiệm vụ mới - Phó ban Kinh tế Trung ương. Với quyết định bổ nhiệm ông Thăng lần này, Ban Kinh tế Trung ương có tổng cộng 8 Phó ban, trong đó có 4 Phó ban chuyên trách và 3 Phó ban kiêm nhiệm.

Các Phó ban Kinh tế Trung ương chuyên trách, gồm: Ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực; ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó bí thư Đảng ủy cơ quan và ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).

Ba Phó ban kiêm nhiệm gồm: ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Công Thương; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Tài chính và ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư.

Ban Kinh tế Trung ương được thành lập năm 2013 theo quyết định của Bộ Chính trị. Đây là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Hiện ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương gồm 8 đơn vị, trong đó có 6 vụ chức năng, được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính. Trước hết là chủ trì, tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất…

Ban Kinh tế Trung ương cũng sẽ chịu trách nhiệm thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cơ quan này cũng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính...

Bên cạnh đó, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế-xã hội theo phân công, phân cấp và thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp trên giao.

Liên quan đến ông Đinh La Thăng, ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%) vì những vi phạm khi còn công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Như vậy, ông Thăng đã giữ chức vụ Bí thư TP HCM trong 15 tháng, từ tháng 2/2016 đến tháng 5/2017.

Ông Đinh La Thăng 57 tuổi, có học vị tiến sĩ, quê Nam Định. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII. Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khoá XII hồi tháng 1/2016. Đầu tháng 2/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP HCM.

Trước đó, ông Thăng có 20 năm công tác tại Tổng công ty Sông Đà; 3 năm làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Giai đoạn 2006-2011, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Từ năm 2011 đến tháng 2/2016, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. 

Tin cùng chuyên mục