Ông Hà Văn Thắm tại phiên phúc thẩm. |
Ngày 26/4, sau bốn ngày thẩm vấn tại phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại Oceanbank, VKSND Cấp cao sẽ ra kết luận về nguyện vọng kháng cáo và nêu đề nghị mức án với cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm cùng 25 đồng phạm.
Trong phần xét hỏi vừa qua, toà dành nhiều thời gian cho ông Thắm và cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn trình bày lý do cho rằng không phạm tội Tham ô tài sản như phán quyết của toà sơ thẩm.
Cuối tháng 9/2017, TAND Hà Nội tuyên hình phạt tù chung thân với ông Thắm cho bốn tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản (điều 165, 179, 280, 278 Bộ luật Hình sự 1999). Ông phải bồi thường dân sự hơn 840 tỷ đồng.
Trong khi đó, cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên tử hình về ba tội: Tham ô tài sản, Cố ý làm trái, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, ông Thắm là người đề ra chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc chi lãi ngoài ở Oceanbank gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho ngân hàng. Ông Thắm còn bị kết luận giúp sức cho cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank, công ty BSC...
Trong những ngày xét hỏi vừa qua, ông Thắm cho rằng án sơ thẩm đã "không thoả đáng" khi quy kết ông vì mục đích cá nhân và lợi ích nhóm nên đưa tiền cho ông Sơn.
Thừa nhận đưa cho ông Sơn 246 tỷ đồng, song ông Thắm trình bày mục đích là chi cho PVN chứ không phải tạo điều kiện để ông Sơn chiếm đoạt. “Anh Sơn không phải cô gái xinh đẹp khiến bị cáo vì sắc mà mất tiền. Giả sử anh Sơn dùng tiền này đi đánh bạc thì bị cáo cũng là đồng phạm tội Đánh bạc hay sao?”, cựu chủ tịch Oceanbank ví von.
Ông Thắm lập luận: Nếu cơ quan điều tra kết luận trong số tiền 246 tỷ đồng ông Sơn chiếm đoạt có 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tương ứng với tỷ lệ góp vốn 20% của tập đoàn này vào Oceanbank) thì ông còn "thê thảm hơn gấp ba lần’" do sở hữu tới 63% vốn của Oceanbank.
Cựu chủ tịch Oceanbank còn khai từng nói với điều tra viên rằng: "Em bị thần kinh nên mới liên tục chi tiền cho ông Sơn để rồi làm mất tiền của mình. Nếu các anh quy kết như thế thì viết nhận xét là em thần kinh không bình thường, để biết đâu ra xét xử sẽ được giảm án’.
Trình bày với cấp phúc thẩm vào sáng 20/4, ông Thắm khẳng định: "Nếu cũng hành vi này, cấp phúc thẩm quy kết bị cáo phạm tội cố ý làm trái thì bị cáo tâm phục khẩu phục". Ông Thắm cho rằng hành vi của mình cũng giống hai thuộc cấp là cựu phó tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Xuân Thắng. Hai người này cũng đưa tiền cho ông Sơn nhưng chỉ bị truy tố về tội Cố ý làm trái. “Không biết cấp sơ thẩm lấy căn cứ gì để kết tội Tham ô cho bị cáo”, ông Thắm nói.
Khi chủ tọa hỏi “bị cáo có niềm tin tuyệt đối với Nguyễn Xuân Sơn không?”, ông Thắm nói lúc làm ăn với nhau thì tin, còn qua nhiều phiên xử, ông Sơn đổi lời khai nhiều lần quá nên "niềm tin cũng có chút lung lay".
Ông Thắm cho rằng bản án sơ thẩm có mâu thuẫn, bởi nếu tuyên PVN là cổ đông và bị thiệt hại thì tại Oceanbank còn gần 4.000 cổ đông khác, trong đó có cả ông, cũng phải được bồi thường. "Vậy tại sao lại bắt bị cáo phải bồi thường", cựu chủ tịch Oceanbank nói.
Trong những ngày xét xử phúc thẩm, ông Thắm nhiều lần nhắc lại câu nói của chủ tọa "thiệt hại của hành vi cố ý chi lãi ngoài là thiệt hại tài sản của pháp nhân Oceanbank, không phải cổ đông", để làm minh chứng "cãi" rằng nếu với quan điểm này thì ông không phạm tội Tham ô vì không còn thiệt hại 49 tỷ đồng của PVN.
Cũng từ đó, ông Thắm cùng cựu tổng giám đốc Sơn đều cho rằng sau khi PVN góp 800 tỷ đồng tiền vốn vào Oceanbank (20% vốn) thì không còn quản lý bằng tiền mặt nữa mà tương ứng với 80 triệu cổ phần. Mặt khác trị giá của số cổ phần này phải theo giá thị trường, có lúc là 600 tỷ đồng nhưng cũng có khi là 0. Như vậy không thể quy rõ ra tiền mặt theo kiểu 20% của 246 tỷ đồng ông Sơn chiếm đoạt là 49 tỷ đồng.
HĐXX cấp phúc thẩm trong phần xét hỏi cho biết rất muốn việc tranh tụng tại phiên tòa sẽ làm rõ tại sao ông Thắm lại tham ô tiền của chính mình, tại sao cùng 246 tỷ đồng lại bị tuyên hai tội…
Nhiều cổ đông Oceanbank 'đòi' được hưởng quyền như PVN
Cũng trong những ngày xét xử vừa qua, một số công ty là cổ đông cũ của Oceanbank tới tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan kháng cáo đòi quyền được nhận bồi thường.
Đại diện theo pháp luật của Công ty VNT (một cổ đông tự nhận chiếm 20% cổ phần của OceanBank) khẳng định tiếp tục giữ kháng cáo với nội dung đề nghị bác yêu cầu đòi bồi thường của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank hiện nay). VNT còn đề nghị cấp phúc thẩm tuyên buộc ông Sơn hoàn trả cho họ 20% của số tiền 246 tỷ đồng.
Theo lập luận của người đại diện công ty này, nếu cấp sơ thẩm đã tuyên PVN là cổ đông của Oceanbank và được bồi thường thì VNT cũng có quyền tương tự vì cùng góp 20%. VNT là cổ đông lớn mà khi Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc 0 đồng với Oceanbank, họ lại không được thông báo.
VNT còn đòi những tổ chức, cá nhân đã nhận tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng trái pháp luật của Oceanbank phải trả lại tiền cho các cổ đông.
Một cổ đông khác của Oceanbank là Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cũng có chung nguyện vọng, lập luận như VNT.
Chủ tọa Ngô Hồng Phúc sau đó giải thích chung rằng nguyện vọng của các công ty là "có lý song khó khả thi" bởi có tới hơn 3.000 người, tổ chức đã nhận lãi ngoài của Oceanbank nhưng nằm ở khắp cả nước, không dễ gì đòi lại được. Các công ty vẫn còn quyền khởi kiện vụ án dân sự khác để đảm bảo quyền lợi của pháp nhân.
Dù vậy, đại diện của VNT vẫn cho rằng ‘khó nhưng không có nghĩa là không thực hiện được’, thậm chí còn khả thi hơn là đòi các bị cáo bồi thường như án sơ thẩm tuyên.