Ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu làm Thủ tướng

Chiều 6/4, sau khi Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình danh sách đề cử nhân sự bầu Thủ tướng mới.

Người được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tân Thủ tướng sẽ được bầu ngày 7/4. Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, nghị quyết bầu Thủ tướng được thông qua, Thủ tướng mới sẽ tuyên thệ.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê ở Quảng Nam. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 11, 13.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc trở về làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó làm chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 1, 2.

Ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Giang Huy

Học xong quản lý hành chính nhà nước tại Học viên Hành chính Quốc gia, ông về làm Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này, ông tiếp tục học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.

Từ năm 1997 đến năm 2001, ông Phúc làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam.

Ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hai nhiệm kỳ 1999-2004 và 2004-2009.

Từ tháng 3/2006 đến 5/2006, ông làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Hơn một năm từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2007, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách khóa 11.

Ông làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương từ 8/2007 đến năm 2011.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, ông Phúc được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa 13 năm 2011, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng.

Đại biểu Bùi Thị An kỳ vọng, sau khi bầu tân Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu cho từng năm. Bà lấy ví dụ, năm đầu tiên sau khi tiếp quản nhiệm kỳ của Thủ tướng cũ, tân Thủ tướng sẽ xem lại các vấn đề nổi cộm nhất như bộ máy hành chính, tình trạng tham nhũng... rồi lọc ra để giải quyết.

"Điều tôi mong đầu tiên là tân Thủ tướng sẽ có đột phá ở việc tinh giản bộ máy, biên chế, bởi con người là quan trọng nhất, máy móc có hiện đại đến đâu cũng phải có con người. Khi con người làm việc có hiệu quả, kỷ cương được đảm bảo tốt, môi trường trong sạch thì tất cả mọi việc sẽ tốt hơn", bà An nói.

Nữ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng mong muốn, ngoài việc trung thành với tổ quốc, nhân dân, tổ chức thực hiện thật tốt công việc, thì tân Thủ tướng cần lắng nghe người dân.

"Nếu như không lấy sự hài lòng của dân để làm thước đo của chính mình thì sẽ không đạt được yêu cầu, bởi mình đang ăn lương của dân nuôi", bà An chia sẻ.

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương thì cho rằng, vai trò của Thủ tướng rất quan trọng vì điều hành cả một nền hành pháp, kinh tế - xã hội. Ông mong rằng tân Thủ tướng sẽ năng động, sáng tạo và có trách nhiệm cao trong từng lĩnh vực.

Theo ông, tân Thủ tướng cần làm cho cho các Bộ, ngành, địa phương nói phải đi đôi với làm, làm phải có báo cáo, kiểm soát, nói để đấy hoặc làm không hiệu quả thì phải kiểm điểm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Ngược lại, những người làm tốt thì biểu dương, khen thương, đề bạt vào vị trí xứng đáng vì đó là người cần cho đất nước, nhân dân.

"Khi người dân cần, bỏ tiền nuôi các cán bộ thì cán bộ phải có đóng góp chứ không thể đứng trong bóng tối gắp thịt nạc", ông Đương nói.

Trong bối cảnh như hiện nay, ông cũng mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh được phát triển kinh tế xã hội, chi phí chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả để nợ công giảm, bội chi giảm. Đặc biệt, tân Thủ tướng phải giải quyết các tình huống bất ngờ như hạn hán, vấn đề xã hội như phòng chống tội phạm, an toàn thực phẩm...quyết liệt, hiệu quả. Quan trọng hơn là tân Thủ tướng cần cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước có quyết sách quyết liệt để làm sao chống cho được tham nhũng từ tham nhũng vặt đến lớn.

Đại biểu Lê Nam cũng mong muốn, tân Thủ tướng sẽ đấu tranh mạnh mẽ chống giặc nội xâm và ngoại xâm. Nội xâm chính là đấu tranh chống tham nhũng và ngoại xâm là bảo vệ thực sự vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông.

27 thành viên Chính phủ đương nhiệm