Sự hoài nghi này là có cơ sở trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới năm qua liên tục giảm mạnh và mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra Petrolimex từ năm 2010 - 2014 cho thấy có nhiều khuất tất và vi phạm trong hoạt động quản lý sử dụng vốn; kinh doanh xăng dầu.
“Siêu lợi nhuận” ít người dám mơ
Từ mức lỗ nặng trong năm 2014, chỉ trong vòng 1 năm, đến cuối năm 2015, kết quả kinh doanh của Petrolimex đã đảo ngược hoàn toàn sang trạng thái lãi “siêu khủng”.
Theo kết quả Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2015 vừa được Petrolimex công bố, trong quý IV/2015, Petrolimex đạt lợi nhuận hợp nhất 1.003 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt lãi sau thuế 3.138,5 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ, đối lập hoàn toàn với kết quả lỗ nặng 1.159 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước đó và lỗ 9 tỷ đồng cho cả năm 2014.
Trong kết quả này, riêng Công ty mẹ, trong quý IV/2015 đã đạt mức lợi nhuận khủng 1.806,7 tỷ đồng, trong khi mức lỗ cùng kỳ năm ngoái là 791,3 tỷ đồng. Như vậy, tính chung cả năm 2015, Công ty mẹ lãi 2.142 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần so với con số lãi 58,5 tỷ đồng của năm 2014.
Kết quả lợi nhuận của Petrolimex tăng mạnh trong bối cảnh cả năm 2015, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tổng cộng 18 lần, trong đó có 6 lần tăng, 12 lần giảm với tổng mức giảm giá xấp xỉ 1.200 đồng/lít tính đến cuối năm 2015, tương đương mức giảm 6-7% so với đầu năm. Trong khi đó, theo số liệu thống kê, giá dầu thô thế giới năm qua đã giảm tới 40%, kéo theo giá bán xăng dầu thành phẩm giảm mạnh tại các thị trường sản xuất chủ yếu, trong đó có các thị trường đầu mối nhập khẩu của Petrolimex.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy mức giảm nhỏ giọt của giá bán lẻ xăng dầu trong nước, trong đó có sự tham gia gần như chi phối của Petrolimex trong vai trò là nhà phân phối lớn nhất, nếu không muốn nói là gần như vẫn kiểm soát độc quyền thị trường xăng dầu khi chiếm trên 50% thị phần trong nước, chẳng thấm tháp gì so với mức giảm chung của thị trường thế giới.
Nỗ lực kinh doanh thực sự hay lợi thế độc quyền?
Trong báo cáo Giải trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Petrolimex đã liệt kê hàng loạt lý do chính đáng và hợp lý cho mức lãi khủng. Theo đó, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của Tập đoàn tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước đó; kết quả kinh doanh hiệu quả của nhiều công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn trong các ngành nghề, lĩnh vực đóng góp vào mức tăng chung của toàn Tập đoàn.
Ngoài ra, còn nhờ các khoản trích lập dự phòng do tác động của biến động xăng dầu giảm; mức giảm giá xăng giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 nên yêu cầu phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không có những tác động trầm trọng như quý IV/2014…
Tuy nhiên, những lý giải này của Petrolimex khó thuyết phục. Theo các chuyên gia kinh tế, lợi thế độc quyền tự nhiên mà Petrolimex được hưởng, cũng như sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước dường như mới là nhân tố chính giúp mang lại lãi khủng như năm vừa qua cho tập đoàn này.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải công khai xem xét phần lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước và hoạt động tạm nhập tái xuất của Tập đoàn trong phần siêu lợi nhuận mà Petrolimex có được năm qua, đồng thời phải công khai bóc tách chi tiết các khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết và các công ty con.
Đặc biệt, ông Doanh nhấn mạnh, cần làm rõ yếu tố nào giúp cho DN xoay chuyển được tình hình một cách “thần kỳ” từ trạng thái lỗ nặng sang siêu lợi nhuận chỉ trong vòng một năm.
“Liệu có phải là năng lực kinh doanh chân chính của DN, từ việc thay đổi chiến lược kinh doanh, áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất đã giúp chuyển lỗ thành lãi lớn trong năm qua, hay lợi nhuận kiếm được là nhờ lợi ích đơn thuần từ sự chênh lệch trong nhịp giảm giá xăng dầu trong nước so với thế giới?”, ông Doanh đặt câu hỏi.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia Lưu Bích Hồ đặt vấn đề cần làm rõ tình hình hoạt động kinh doanh của Petrolimex, nhất là trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra Tập đoàn cho thấy nhiều khuất tất và vi phạm của đơn vị trong khoảng thời gian 2010 - 2014. Trong đó, đặc biệt cần lật lại các vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận như về hạch toán chi phí sai so với thực tế, áp dụng định mức vùng không đúng với các quy định giúp mang lại những khoản lợi lớn cho tập đoàn này.
Theo ông Hồ, Petrolimex là DNNN lớn đang nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu, lại được hưởng lợi thế độc quyền tự nhiên trong kinh doanh nên về nguyên tắc cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế đất nước, hoạt động một cách minh bạch, đảm bảo ổn định thị trường và công bằng cho người tiêu dùng. Song trên thực tế, chưa nói đến những khuất tất và sai phạm lâu nay mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và nêu ra, việc Tập đoàn dựa vào những lợi thế độc quyền của mình để thực hiện những cách hành xử thiếu công bằng với người tiêu dùng, cũng như với các DN nhỏ hơn trên thị trường, thể hiện rõ ràng ở sự “lạc nhịp” trong điều chỉnh giá xăng thời gian qua, luôn kêu lỗ nhưng cuối năm báo lãi nghìn tỷ, là vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc.
Không chỉ dừng lại ở đó, các chuyên gia cũng đề nghị cần xem xét trách nhiệm quản lý của các bộ chủ quản và liên quan, mà cụ thể là liên Bộ Công thương và Tài chính với trách nhiệm là cơ quan quản lý trực tiếp và quản lý giá đối với DN lại để xảy ra mập mờ trong cách tính giá cơ sở, định mức hao hụt tại Petrolimex kéo dài nhiều năm, làm giảm hiệu quả hoạt động và thậm chí là thiệt hại cho DN và Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Độc quyền DNNN, hậu họa cho thị trường
Theo phân tích của đại diện một DN xăng dầu, vị trí thống lĩnh thị trường và nhiều ưu thế đặc lợi của vị thế độc quyền đã góp phần tạo kẽ hở và điều kiện dễ phát sinh tiêu cực cho DN. Trong đó, việc thực hiện việc bán giá nội bộ, chưa tuân thủ quy định điều hành của liên bộ Tài chính - Công thương như kết quả công bố của Thanh tra Chính phủ đối với Petrolimex là một ví dụ điển hình. Không chỉ vậy, điều này còn dẫn đến cạnh tranh thiếu bình đẳng, gây ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí là thiệt hại cho các DN nhỏ hơn trên thị trường do cạnh tranh không lành mạnh.
“Ví dụ như trường hợp liên bộ điều chỉnh giá xăng tăng nhưng công ty mẹ lại giảm giá vốn bán cho công ty thành viên thì rõ ràng, phần lợi nhuận công ty con được hưởng cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Ở trường hợp này, có thể thấy rằng, về lý thuyết, công ty mẹ chấp nhận lỗ để công ty con hưởng lợi, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao Petrolimex không tuân thủ quy định điều hành của liên bộ mà tự điều chỉnh giảm giá bán nội bộ cho công ty con, vì lý do gì mà Công ty mẹ phải chấp nhận vi phạm nguyên tắc, phương pháp xác định giá bán nội bộ trong quy chế kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn để làm việc này. Thực tế lỗ - lãi cuối cùng của tập đoàn như thế nào trong trường hợp này cần phân tích và làm rõ”, vị giám đốc DN này nhấn mạnh.
Như vậy, đứng ở góc độ thị trường, sự độc quyền trong trường hợp này chủ yếu mang lại các tác động tiêu cực, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN nhỏ, từ đó làm méo mó giá bán trên thị trường, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Còn đứng trên góc độ DN, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù DN có lãi hay chịu lỗ thì đều không mang lại lợi ích cho nhà nước và người tiêu dùng tương xứng với yêu cầu, trách nhiệm của DN độc quyền đối với thị trường, cũng như nền kinh tế.
Nếu DN lỗ tức là thiệt hại trực tiếp vào vốn của Nhà nước. Còn ngược lại, DN càng lãi thì mức độ thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng và DN khác cùng cạnh tranh trên thị trường càng lớn. Chưa kể tới những yếu tố thiếu lành mạnh khác núp bóng đằng sau vị thế độc quyền như lợi ích nhóm… Vì vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét lại vai trò độc quyền thị trường của Petrolimex và các tập đoàn nhà nước để tránh hậu họa chung cho nền kinh tế và thị trường.