65% doanh nghiệp siêu nhỏ cho biết có tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Tất Tiên |
Có quá nhiều rào cản đối với khu vực tư nhân
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 500.000 DN tư nhân (DNTN), chiếm gần 85% tổng số DN. Trong giai đoạn 2006 - 2015, khu vực DN này đóng góp hơn 40% GDP, 30% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Song, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù có sự phát triển không ngừng nhưng khu vực DNTN ở Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nguyên nhân chính là do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về tư duy lý luận lẫn khung khổ pháp luật điều tiết, cơ chế chính sách và thực thi cơ chế chính sách trên thực tế cũng như môi trường kinh doanh và năng lực nội tại của chính khu vực này.
Cụ thể, ông Sơn dẫn chứng, trung bình giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có 40% DNTN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; tỷ lệ này ở DNTN nhỏ là 62%, vừa là 74% và lớn là 81%. Các DNTN cũng luôn gặp phải khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. Một tỷ lệ đáng kể DN chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: năm 2015 có 54% DN siêu nhỏ, 56% DN nhỏ và 71% DN quy mô vừa.
Đặc biệt, chi phí không chính thức được coi là một trong những rào cản, gánh nặng lớn mà các DN ngoài nhà nước phải đối mặt. Theo khảo sát, có tới 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ phải thường xuyên chi trả các khoản chi phí không chính thức. Với các DN quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%. Bên cạnh đó, một tỷ lệ tương đối lớn DN nhỏ, DN siêu nhỏ (65%) và DN vừa (62%) cho biết “có tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN”.
Khơi thông nhiều điểm nghẽn
Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân, cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, trong đó, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.
Ở góc tiếp cận khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, giải pháp nhằm xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là tập trung hoàn thiện lý luận và thống nhất về nhận thức; thiết lập nền tảng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; xây dựng chính sách cụ thể cho từng nhóm đối tượng của khu vực kinh tế tư nhân.
Đơn cử, với nhóm DN nhỏ và vừa, cần thiết lập các cụm liên kết ngành sản xuất linh kiện đòi hỏi quy mô đầu tư vốn vừa phải và độ tinh vi công nghệ ở mức độ trung bình. Với nhóm DN khởi nghiệp, cần khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp trở thành phong trào sâu, rộng trong xã hội, coi trọng tính hiệu quả, tránh hình thức.