Phác họa hình hài Khu thương mại tự do Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khoảng 1 tháng nữa, Đà Nẵng sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập khu thương mại tự do (TMTD). Đây không chỉ là khu TMTD đầu tiên của Việt Nam mà còn là mô hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương nếu triển khai thành công theo các nội dung mà Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Một trong số các vị trí dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn
Một trong số các vị trí dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn

Tại Diễn đàn “Khu TMTD Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” ngày 14/11, đại diện Đại học Kinh tế Đà Nẵng - đơn vị tư vấn lập Đề án Khu TMTD Đà Nẵng đã phác thảo những nét cơ bản đầu tiên của Khu TMTD. Theo đó, tổng diện tích Khu TMTD Đà Nẵng khoảng 25.000 ha, phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 300 ha từ năm 2025 - 2026, vận hành trước năm 2029; giai đoạn 2 tiến hành GPMB 259 ha và vị trí lấn biển trong năm 2027 - 2028, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước năm 2029 và giai đoạn 3 từ sau năm 2030 tiếp tục nghiên cứu mở rộng.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất, Khu TMTD Đà Nẵng là mô hình phát triển phức hợp “Khu trong Khu”, có chức năng tích hợp logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ với cơ chế quản lý một cửa một đầu mối. Mô hình “Khu trong Khu” này sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành và khu vực, tạo hiệu ứng cộng hưởng vì mục tiêu tăng cường phát triển vùng, quốc gia, tăng hiệu ứng cộng hưởng thu hút đầu tư từ bên ngoài, lan tỏa phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Tại Khu TMTD sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt như miễn thuế, hỗ trợ tài chính và chăm sóc sức khỏe cho các ngành đa chức năng. Đồng thời, tùy theo giai đoạn phát triển sẽ mở rộng dịch vụ mới, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Theo mục tiêu mà đơn vị tư vấn trình bày, đây không chỉ là mô hình tiên phong với thể chế ưu việt, chưa có tiền lệ tại Việt Nam mà còn đáp ứng chuẩn quốc tế, đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực ưu tiên.

Mô hình khu TMTD “Khu trong Khu” cũng được đơn vị tư vấn định hướng là trung tâm sản xuất thương mại, dịch vụ hiện đại gắn với cảng quốc tế Liên Chiểu đang được đầu tư trở thành điểm nhấn trong hành lang vận tải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; cung cấp dịch vụ logistics “xanh”, tối ưu chi phí và có tính cạnh tranh cao; tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất dịch vụ tại Đà Nẵng và khu vực lân cận; tăng cường liên kết hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông - Tây…

Từ mô hình hoạt động này, đơn vị tư vấn đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Khu TMTD Đà Nẵng sẽ đóng góp trực tiếp 1 - 2% vào tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng; đến năm 2040 đóng góp 9,5% và đến năm 2050 đóng góp 17,9%. Trong đó, tỷ trọng sản xuất công nghiệp tại Khu TMTD đóng góp 1,2% vào năm 2030, tăng lên 8,8% vào năm 2040 và đạt mức 22,3% vào năm 2050. Tương ứng với tỷ lệ và tỷ trọng tăng trưởng trên, tại Khu TMTD sẽ thu hút 21.000 lao động năm 2030, 90.000 lao động năm 2040 và 127.000 lao động năm 2050. Đồng thời, đến năm 2030, Khu TMTD sẽ đưa Đà Nẵng trở thành khu vực phát triển năng động và có sức cạnh tranh cao trong Đông Nam Á; năm 2040 là điểm đến quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là trung tâm tăng trưởng của Thành phố; về dài hạn sẽ trở thành khu vực có sức cạnh tranh trên thế giới, nâng tầm phát triển của cả nước.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thời gian để trình Đề án đang ngày càng gấp rút. Vì vậy, Đà Nẵng lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, doanh nghiệp để có một đề án đáp ứng được quy mô, chất lượng và phát triển bền vững, có sức thuyết phục cao; trên hết là mô hình thực sự hoạt động hiệu quả để sau 5 năm thí điểm có thể nhân rộng ra một số địa phương khác.

Các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cho rằng, cần có nhiều yếu tố kết hợp để thu hút nhà đầu tư lớn vào Khu TMTD. Đó là, Khu TMTD phải có cơ chế thu hút đầu tư với ưu đãi vượt trội, những cơ chế, chính sách áp dụng chưa có trong tiền lệ để trình Chính phủ. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông ngoại khu (giao thông, bến cảng) nên đề xuất ưu tiên đầu tư theo phương thức đối tác công tư; ưu tiên theo lĩnh vực nào thì phải cụ thể hoá bằng kinh phí bố trí từ ngân sách cho các danh mục đầu tư đó. Theo các chuyên gia, phải phân định rõ ràng về đầu tư ngoài khu, trong khu như thế nào; phải rà soát tất cả các cơ chế hiện hành, lọc ra được cơ chế nào cho Đà Nẵng. “Đã xác định Khu TMTD là động lực mới thì Đà Nẵng phải mạnh dạn đề xuất Chính phủ, phải có chính sách vượt khung, vượt trội mới xứng tầm. Tiêu chí hàng đầu là phải ưu đãi, tiết kiệm thời gian, chi phí thì tiếp cận thị trường mới hiệu quả”, một chuyên gia đề xuất.

Liên quan đến vị trí xây dựng Khu TMTD, đại diện Savan Logistics cho rằng, Khu TMTD phải ở vị trí chiến lược, có thể kết nối với các thị trường, nguồn hàng tại các địa phương trong nước; kết nối các quốc gia thông qua các hướng tuyến xuyên biên giới để kết nối các khu sản xuất, trung tâm hàng hoá quốc tế.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Khu TMTD Đà Nẵng, theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư; phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu TMTD. Ngoài ra, việc chuyển đổi số để số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục