Giải bài toán điện cho nền kinh tế vươn tầm - Bài 3: Hành động để xoay chuyển tình thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia vào tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Nghị định số 135/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có nhiều ưu đãi về thủ tục và thuế. Ảnh: Lê Tiên
Nghị định số 135/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có nhiều ưu đãi về thủ tục và thuế. Ảnh: Lê Tiên

Làm thế nào để đủ điện cho phát triển kinh tế, góp sức hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - là bài toán lớn cần có lời giải trong bối cảnh nhiều dự án thuộc Quy hoạch điện VIII đang chậm tiến độ, lãng phí.

Bài 3: Hành động để xoay chuyển tình thế

Theo Quy hoạch điện VIII, 5 năm tới cần phát triển nguồn điện gấp đôi công suất hiện nay. Các dự án điện phải được triển khai đầu tư rất nhanh mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hàng loạt chuyển động về chính sách và nỗ lực vượt qua khó khăn, đầu tư phát triển của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn được ghi nhận để hóa giải thách thức này.

Không để chậm trễ

Sốt ruột với tiến độ một số dự án điện, trong đó có dự án điện trọng điểm như: các dự án nhập khẩu điện từ Lào (Đường dây 500kV Moon Sun - Thạnh Mỹ, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống…); các dự án đồng bộ Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4…, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN đề nghị những địa phương nơi có dự án đi qua “vào cuộc” tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để sớm hoàn thành dự án, đáp ứng nhu cầu điện cho người dân và doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, vướng mắc ở các dự án này chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng… Vì vậy, EVN/EVNNPT mong các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa để gỡ vướng, góp sức cho dự án điện về đích kế hoạch.

“Tại Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, phần trên lãnh thổ Việt Nam thì đến thời điểm ngày 6/11/2024 đã cung cấp đầy đủ vật tư thiết bị thi công, tuy nhiên, nhà thầu thi công chưa thể triển khai thực hiện do UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 112 hộ dân có cây trồng trong rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, có 8 hộ dân đã phê duyệt phương án bồi thường, đã chi trả tiền nhưng các hộ không nhận”, đại diện EVN cho biết. Phía EVN đề nghị tỉnh Nghệ An xem xét chỉ đạo UBND huyện Quế Phong phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất trong rừng tự nhiên thuộc hành lang tuyến làm cơ sở để tổ chức chặt hạ cây phục vụ đóng điện.

Với các dự án đồng bộ Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch, hiện nay, tỉnh Đồng Nai chưa thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. EVN đề xuất, phía địa phương cần khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hỗ trợ giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang hoàn thành…

Đồng tình với đề nghị của EVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng nhấn mạnh, các dự án trên đều là dự án điện trọng điểm, nếu không đẩy nhanh tiến độ thì khó đáp ứng được yêu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bởi nhu cầu điện đang rất bức bách. Theo đó, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương, EVN và EVNNPT chung sức, quyết liệt đưa các dự án điện về đích.

Nhìn từ bài học tạo “kỳ tích” của Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy triển khai các dự án điện. “Nếu làm ngày không đủ thì phải tranh thủ làm đêm với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành công trình với tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, đảm bảo điện cho phát triển đất nước”, ông Diên nói.

Tại bản dự thảo Luật Điện lực trình Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ. Theo góp ý của đại biểu Quốc hội, để tạo sự thống nhất trong quản lý dự án đầu tư nói chung, nội dung đề xuất trên được đề nghị cập nhật bổ sung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

“Mở cửa” cho điện xanh

Trong bối cảnh chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và số) đang trở thành xu hướng tất yếu mà các nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp (DN) phải làm để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với nhiều ưu đãi về thủ tục và thuế. Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc Công ty VP Carbon nhìn nhận, đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp cộng đồng DN thuận lợi hơn trong hài hòa các mục tiêu phát triển, tiết kiệm chi phí điện năng và sẵn sàng chuyển đổi số trong quản lý năng lượng.

“Điểm nổi bật là Nghị định quy định miễn giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt cho hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối vào lưới điện quốc gia. Quy định này giúp DN dễ dàng hơn trong việc lắp đặt các hệ thống năng lượng, giảm chi phí điện năng, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm về thời gian và chi phí. Nghị định cũng khuyến khích DN đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo và tạo nền tảng hướng đến quản lý năng lượng thông minh”, ông An nhận xét.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Nhiều nhà đầu tư đánh giá, DPPA đã “mở cánh cửa” mua bán trực tiếp giữa người sản xuất điện và tiêu thụ điện, bên cạnh việc bán điện cho các tổng công ty điện lực, đáp ứng nhu cầu điện xanh cho phát triển.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là rất cần thiết để không lãng phí nguồn lực đầu tư tại những dự án điện tái tạo chuyển tiếp, dự án tồn đọng. Theo ông Thịnh, không ít dự án điện tái tạo không kịp hoàn thành trước thời điểm cơ chế giá ưu đãi kết thúc, khiến các nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép. Trong khi đó, những dự án điện tái tạo có vốn đầu tư rất lớn, để thực hiện nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng. “Tôi mong rằng, Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư lĩnh vực này”, ông Thịnh đề nghị.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động được các nguồn điện tái tạo, bảo đảm an ninh điện.

Tại kết luận mới đây về tình hình triển khai các dự án điện, Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng.

Đặc biệt, để giải quyết căn cơ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển các dự án điện, giải bài toán điện cho nền kinh tế vươn tầm, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo có nhiều điểm mới quan trọng, nhằm mở ra không gian để phát triển ngành điện Việt Nam.

Tăng tốc để đảm bảo điện cho phát triển

----------------------------------------------------------------------------------------------

Ông Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Chậm triển khai các dự án điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cung ứng điện, nhất là tại khu vực miền Bắc với dự báo đón làn sóng đầu tư lớn trong những năm tới. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cũng như sẵn sàng hạ tầng để đón làn sóng đầu tư vào khu vực này. Với tính chất cấp thiết đó, phải đẩy nhanh các công việc cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng Dự án càng sớm càng tốt.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Ông Ngô Quốc Hội

Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang

Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, là một trong những dự án thuộc các quy hoạch điện trước chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII. Quá trình triển khai đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, trở ngại nên chưa hoàn thành như mục tiêu ban đầu. Song vượt lên thách thức, đến thời điểm này, những khó khăn đó đã cơ bản được xử lý. Tiến độ thực hiện Gói thầu EPC - gói thầu nhà máy chính được đảm bảo. Chúng tôi cùng nhà thầu EPC đang nỗ lực phấn đấu để có thể hoàn thành Dự án, phát điện trong năm 2027.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Ông Bùi Minh Tân

Thành viên HĐQT Tổng công ty Điện lực TKV

Sau nhiều khó khăn, thách thức, tháng 4/2024, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II đã được Tổng công ty Điện lực TKV và Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH DR.AZ khởi công xây dựng. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, quy mô công suất 110 MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2026. Khi hoàn thành, Nhà máy sẽ cung cấp khoảng 750 triệu kWh/năm lên lưới điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và khu vực Đông Bắc. Ngay sau khi khởi công xây dựng, chúng tôi bám sát nhà thầu để đốc thúc tiến độ Dự án nhằm đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ ký kết.