Phác thảo ban đầu về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phương án kiến nghị đầu tư Dự án đã có nhiều thay đổi cơ bản so với các nội dung trình trước đây.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mới nhất của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn đầu tư Dự án theo phương án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, vận tải hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu để vận tải hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn. Tổng mức đầu tư khái toán là 67,34 tỷ USD (trước đó là 58 tỷ USD) và được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (phương án đề xuất trước đó là đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, phương án Bộ GTVT kiến nghị có sự thay đổi cơ bản so với nội dung trình trước đây. Phương thức vận tải chuyển từ vận tải hành khách sang vận tải lưỡng dụng (vừa chở khách, vừa chở hàng hóa), trong khi trên thế giới chưa có tuyến đường sắt nào tốc độ thiết kế 350 km/h vừa vận tải hành khách và hàng hóa. Để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án gửi xin ý kiến Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Bộ KH&ĐT đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế cung cấp các minh chứng cho việc bảo đảm an toàn chạy tàu, đặc biệt là an toàn chống trật ray đối với tàu hàng khi khai thác hỗn hợp tàu khách thiết kế với vận tốc 350 km/h. Chỉ khi Dự án bảo đảm an toàn khai thác hỗn hợp tàu hàng và tàu khách thì mới đáp ứng được yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tư vấn thiết kế cung cấp các minh chứng cho việc lựa chọn tải trọng trục của Dự án là 22,5 tấn/trục đối với phương án khai thác hỗn hợp tàu hàng và tàu khách ở dải tốc độ 350 km/h, các dự án tương tự trên thế giới đã triển khai; đồng thời làm rõ việc lựa chọn đoàn tàu trong vận hành khai thác, lựa chọn đoàn tàu hàng và chiều dài ke ga tàu hàng, lựa chọn hệ thống điện động lực cho Dự án…

Đặc biệt, đối với đề xuất chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT rà soát lại quá trình chuẩn bị đầu tư và hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT cần bổ sung tờ trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau hoàn thiện; báo cáo thẩm định nội bộ về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau hoàn thiện; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ; cung cấp tài liệu theo yêu cầu của tư vấn thẩm tra như: phân tích chi tiết tổng mức đầu tư của Dự án để thuận tiện cho tư vấn thẩm tra rà soát, thẩm tra; các nội dung về tính toán hiệu quả đầu tư của Dự án (đánh giá chi phí vận hành, doanh thu, lợi nhuận…).

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Ban và các đơn vị liên quan đang cùng Bộ GTVT họp bàn các nội dung, khẩn trương rà soát, bổ sung các tài liệu cho hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước theo đề nghị của Bộ KH&ĐT.

Về đề xuất lựa chọn tốc độ chạy tàu 350 km/h (thay vì phương án 250 km/h), theo ông Tuân, với tốc độ chạy tàu 350 km/h thì cự ly ga trung bình là 50 - 70 km. Đây đang là xu hướng của thế giới, được đánh giá là phù hợp và hiệu quả. Với tốc độ này, thời gian tàu chạy giữa Hà Nội - TP.HCM được rút ngắn đáng kể, chỉ còn hơn 5 giờ, chi phí đầu tư tăng khoảng 9% song mức độ hấp dẫn hành khách sẽ cao hơn và hiệu quả hơn. Nếu đầu tư tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h sau này là khó khả thi.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Huy, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, với vị thế và tiềm lực như hiện nay, đây là thời điểm chín muồi để đầu tư đường sắt tốc độ cao. Có đường sắt tốc độ cao thì hạ tầng giao thông sẽ vượt lên một tầm cao mới. Nếu thực sự quyết tâm để có một công trình mang tính động lực, chiến lược, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả nguồn lực và coi đây là tiền đề cho một nước đang phát triển có thu nhập cao thì chúng ta sẽ làm được. Với tiềm lực và quy mô nền kinh tế hiện nay thì nguồn lực không còn là thách thức lớn.

Tin cùng chuyên mục