Cho thành phố tạo nguồn thu mới
Theo TS. Trần Du Lịch, trong lĩnh vực ngân sách cần phân định rõ hai loại nội dung: phần ngân sách được xác định là nguồn thu của địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước; phần ngân sách do Trung ương tài trợ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn được cân đối hàng năm khi lập ngân sách, trong tổng ngân sách địa phương hàng năm.
“Như vậy, phạm vi tự chủ ngân sách của chính quyền địa phương chỉ đối với nguồn thu thứ nhất; còn đối với nguồn thu thứ hai sẽ do Chính phủ quyết định khi cân đối ngân sách hàng năm. Nên thí điểm mô hình không lồng ghép ngân sách Trung ương – địa phương như hiện nay”, ông Lịch nói.
Đối với nguồn ngân sách thứ nhất đề nghị ổn định trong khoảng 10 năm và do HĐND Thành phố quyết định. Đối với những dự án đầu tư mang tính quốc gia hoặc những dự án do ngân sách Trung ương tài trợ, kể cả các dự án ODA do Trung ương cho vay lại, do Chính phủ quyết định dù quy mô dự án thuộc cỡ nào.
Nếu theo nguyên tắc này thì hàng năm TP.HCM chỉ xin Trung ương phê duyệt phần ngân sách do Trung ương tài trợ, không phải thỏa thuận chung về tổng thu, tổng chi của địa phương như hiện nay.
Dĩ nhiên, việc thực hiện chi ngân sách của chính quyền Thành phố phải tuân thủ các quy định chung về chế độ tài chính của quốc gia, bảo đảm sự thống nhất của nền tài chính quốc gia và chịu sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ.
“Tôi cho rằng, trong lĩnh vực tài chính công, nguyên tắc là khuyến khích Thành phố tăng thu để tăng chi đáp ứng yêu cầu phát triển. Cần có cơ chế cho Thành phố tạo nguồn thu mới, nuôi dưỡng nguồn thu mới đã được tạo lập.
Thành phố được quyền tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn mà pháp luật hiện hành không cấm hoặc trung ương cho phép. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định”, ông Lịch phân tích.
Gia tăng thẩm quyền vay nợ của chính quyền địa phương
Ngoài những ý kiến đề xuất trên, ông Lịch còn cho rằng, Chính phủ nên cho phép HĐND TP.HCM được quyết định trong việc vay nợ để đầu tư trên cơ sở tự cân đối khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, Chính phủ quy định một số điều kiện về vay nợ nhằm hạn chế rủi ro, mất khả năng thanh toán của ngân sách hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chi cho quản lý nhà nước trên địa bàn.
Đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trả nợ, cho phép chính quyền Thành phố mở rộng chức năng của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) thực hiện chức năng huy động vốn đầu tư, không làm ảnh hưởng đến ngân sách của địa phương. Đồng thời, tạo thêm một đối tác mạnh của nhà nước tham gia vào thị trường tài chính trong quá trình hội nhập.
Riêng ở lĩnh vực đầu tư, theo ông Lịch, nên dựa trên nguồn vốn ngân sách đầu tư để xác định thẩm quyền các dự án đầu tư. Những công trình được xác định là cấp quốc gia và những công trình do nguồn vốn Trung ương trợ cấp đầu tư, dù ở quy mô nào thì cũng đều do Chính phủ quyết định (quyết định phê duyệt dự án đầu tư, còn triển khai thực hiện ủy quyền cho TP.HCM thực hiện).
Ngược lại, đối với dự án nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương, dù ở quy mô nào cũng đều do HĐND Thành phố quyết định (quyết định chủ đầu tư, còn tổ chức triển khai cụ thể do UBND Thành phố quyết định).
Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư không thuộc nguồn vốn ngân sách, nếu phù hợp với quy hoạch thì Chính phủ phân quyền cho Chủ tịch UBND Thành phố quyết định không tùy thuộc vào quy mô dự án. Theo đó, các cơ quan Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra nếu việc quyết định đầu tư trái với quy hoạch có liên quan đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bình luận xung quanh những ý tưởng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quan điểm nêu trên của ông Lịch là hoàn toàn xác đáng. Theo đó, nên kiến nghị Chính phủ xây dựng một Nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho Thành phố theo tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương bao gồm các lĩnh vực quản lý nhà nước chủ yếu trên địa bàn, trong đó ưu tiên về thể chế tài chính công.