Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) tham dự hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Malaysia tháng 8/2015. Ảnh:Reuters |
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào cuối tháng này có thể sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Vụ kiện này đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận quốc tế, tạo ra nhiều lập trường và luồng quan điểm khác nhau.
Matthew Pennington, phóng viên chuyên về chính sách đối ngoại châu Á của hãng thông tấn AP, cho rằng vụ kiện đã tạo nên tình thế ngoại giao "khó xử" cho nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế cho lập trường của mình đối với việc sử dụng biện pháp trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Theo đó, Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép ngoại giao lên các đồng minh phương Tây và các đối tác ở châu Á để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế. Còn Trung Quốc vẫn khăng khăng không theo kiện và đang tìm cách phản bác phán quyết của tòa bằng cách lôi kéo sự ủng hộ của các quốc gia khác, chủ yếu là ở châu Phi và Trung Đông.
Dù chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Mỹ tuyên bố rằng họ muốn Trung Quốc "chơi theo các quy tắc quốc tế". Là một cơ quan trọng tài, PCA không có lực lượng, chế tài để thi hành các phán quyết của mình, và bất cứ tác động nào của phán quyết cũng đều phụ thuộc vào cách phản ứng của cộng đồng quốc tế, Pennington nhận định.
ASEAN
Trong nhiều năm qua, ASEAN đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên quá trình này chưa đạt được nhiều thành quả rõ rệt và đã bộc lộ một số chia rẽ trong khối. Giới quan sát dự đoán rằng việc các thành viên ASEAN có thể đạt được một sự đồng thuận sau phán quyết của PCA sẽ rất khó khăn.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các lãnh đạo ASEAN hồi tháng hai, họ đã nhất trí sẽ "tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao" theo quy định của UNCLOS, tuy nhiên hai nước thành viên trong khối có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc đã phản đối bất cứ từ ngữ nào đề cập đến "trọng tài".
Việt Nam, nước có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông, đã thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với vụ kiện của Philippines và đã nộp một bản tuyên bố tới PCA. Hà Nội cũng khẳng định sự ủng hộ đối với "việc tuân thủ đầy đủ" các quy trình được thể hiện trong UNCLOS, theo Pennington.
Indonesia và Singapore cũng nhiều lần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của mình đối với vụ việc. Ngoại trưởng Singapore mới đây tuyên bố rằng phán quyết của PCA có thể có tác động vượt ra khuôn khổ Biển Đông và nhấn mạnh "chúng ta không thể chấp nhận nguyên tắc lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Còn Bộ Ngoại giao Indonesia dù không đề cập đến việc phán quyết cần phải mang tính ràng buộc với cả hai bên, nhưng khẳng định luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng.
Tuy nhiên, một số thành viên ASEAN khác lại không muốn nói thẳng những quan ngại của họ, vì lo sợ đụng chạm đến Trung Quốc, đối tác kinh tế khổng lồ của cả khối. Cho đến nay, Malaysia và Brunei vẫn khá kiệm lời về vụ kiện, dù họ đều có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay cả nước đệ đơn kiện là Philippines cũng có quan điểm "khó lường" về vụ việc, khi chính phủ của Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte sắp nhậm chức. Ông Duterte từng tuyên bố rằng sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.
Nga
Nga, vốn có chung mối nghi kỵ với Mỹ như Trung Quốc, đã nhiều lần thể hiện lập trường ủng hộ đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow chống lại bất cứ sự can thiệp nào từ các bên ngoài Biển Đông – một sự ám chỉ tới Mỹ - hoặc "bất cứ nỗ lực quốc tế hóa vấn đề" nào.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh:RT
Từ sau khi hứng chịu lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, Nga đã tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - quốc phòng với Trung Quốc, trong đó có việc ký kết dự án cung cấp khí đốt trị giá nhiều tỷ USD.
Châu Phi, Trung Đông
Hôm 20/5, Xinhua đưa tin hơn 40 quốc gia trên thế giới đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc với vụ kiện. Những tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên nhắc tới sự ủng hộ đến từ các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
Tuy nhiên, rất ít chính phủ nước ngoài được Trung Quốc nhắc tới từng ra tuyên bố một cách độc lập ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Thậm chí, một số quốc gia như Campuchia, Lào và Fiji còn thẳng thừng bác bỏ cách Trung Quốc mô tả lập trường của họ đối với vụ kiện.
Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington nói rằng họ chỉ có thể xác nhận tuyên bố chính thức của các nước Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và Vanuatu ủng hộ lập trường Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng 21 thành viên Liên đoàn Arab ủng hộ họ, nhưng hiện chưa rõ đây có phải là lập trường chính thức của nhóm hay không.
Liên minh châu Âu và G7
EU đã hối thúc các nước có tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình và "tuân theo luật pháp quốc tế", bao gồm UNCLOS. G7 thì kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ những phán quyết mang tính ràng buộc của tòa án quốc tế, theo quy định của công ước.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghị hải quân các nước châu Âu điều tàu chiến tới phối hợp tuần tra ở châu Á để tăng cường trật tự thượng tôn pháp luật trên biển. Ông cảnh báo rằng nếu luật biển không được tôn trọng trong khu vực, nó sẽ bị thách thức ở Bắc Băng Dương hay Địa Trung Hải.
Australia, Ấn Độ
Hồi tháng một, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng phán quyết "đường lưỡi bò" sẽ là "cực kỳ quan trọng" như một tuyên bố về nguyên tắc quốc tế và sẽ "giải quyết một lần và mãi mãi" việc các đảo nhân tạo có được hưởng quyền lãnh hải hay không.
Tuy nhiên, Australia là nước có quan hệ kinh tế rất lớn với Trung Quốc, và đây được coi là một trong những lý do Canberra không ủng hộ vụ kiện mạnh mẽ như đồng minh Mỹ. Ngoài ra, phán quyết của PCA nhiều khả năng cũng sẽ có ảnh hưởng tới việc giải quyết tranh chấp biên giới biển giữa nước này với Đông Timor.
Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố lập trường cụ thể về vụ kiện, tuy nhiên đã thể hiện công khai sự ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Giống như Mỹ, Ấn Độ cũng có cùng mối lo ngại về những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên các vùng biển châu Á.
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh:CSIS
Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định "các nước phải tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế trong các vấn đề biển". Năm 2014, Ấn Độ đã chấp nhận một phán quyết của PCA có lợi cho Bangladesh nhằm giải quyết tranh chấp biên giới biển giữa hai nước.
Nhật Bản, Hàn Quốc
Nhật Bản đã thể hiện sự ủng hộ vụ kiện của Philippines từ đầu và tuyên bố hai nước phải tuân thủ phán quyết của tòa. Nhật Bản coi đây là hành động củng cố luật pháp quốc tế trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải có vai trò trọng yếu với nước này.
Cũng giống Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường vận chuyển dầu thô đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, gần đây, Seoul đã có quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, và không thể hiện tiếng nói quyết liệt về vụ kiện của Philippines.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết theo các quy tắc quốc tế sẵn có và họ đang "quan tâm xem xét" vụ kiện của Philippines.