Pháp luật về đấu thầu tiệm cận chuẩn cao của thông lệ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đánh giá rõ nhất bước tiến của pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam, phải đặt trong mối tương quan với thông lệ quốc tế. Trong Báo cáo Việt Nam sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, cộng đồng DN ghi nhận rất tích cực về mức độ tương thích của pháp luật về đấu thầu với cam kết EVFTA - một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới hiện nay.
Ngoài việc tham gia các gói thầu theo cam kết tại EVFTA, tùy vào lựa chọn của cơ quan mua sắm, nhà thầu EU có thể được tham gia thêm các gói thầu mua sắm mà Việt Nam cam kết mở cửa cho nhà thầu CPTPP. Ảnh: Lê Tiên
Ngoài việc tham gia các gói thầu theo cam kết tại EVFTA, tùy vào lựa chọn của cơ quan mua sắm, nhà thầu EU có thể được tham gia thêm các gói thầu mua sắm mà Việt Nam cam kết mở cửa cho nhà thầu CPTPP. Ảnh: Lê Tiên

Quy định của Việt Nam cao hơn yêu cầu tối thiểu của EVFTA

Theo VCCI, về tính chất, cam kết EVFTA chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu, nước thành viên có thể lựa chọn chỉ thực hiện ở mức tối thiểu, hoặc thực hiện ở mức cao hơn. Kết quả rà soát của VCCI cho thấy, lựa chọn phổ biến của Việt Nam là thực hiện đúng ở mức cam kết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Việt Nam lựa chọn thực hiện “nội luật hóa” bằng các cam kết với nội dung tốt hơn, cao hơn yêu cầu của EVFTA, chưa sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần quyền được phép theo cam kết.

Nhóm nghiên cứu của VCCI lấy ví dụ, về yêu cầu minh bạch trong đấu thầu tại Nghị định 95/2020/NĐ-CP (được kế thừa và giữ nguyên trong Nghị định số 09/2022/NĐ-CP) là bằng hoặc cao hơn các cam kết liên quan trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA như thông tin về hệ thống đấu thầu, các thông báo, hồ sơ mời thầu…

Ngoài quy định về loại gói thầu Việt Nam mở cửa cho nhà thầu EU như cam kết theo Phụ lục 9-B của EVFTA, Nghị định 95 (sửa đổi bởi Nghị định 09) còn cho phép nhà thầu EU tham gia các gói thầu thuộc Phụ lục II của Nghị định 09 (vốn chỉ cam kết mở cửa cho nhà thầu nội khối CPTPP) nếu cơ quan mua sắm đồng ý. Như vậy, tùy vào lựa chọn của cơ quan mua sắm, nhà thầu EU có thể được tham gia thêm các gói thầu mua sắm mà Việt Nam cam kết mở cửa cho nhà thầu CPTPP.

Hay đối với các trường hợp loại bỏ nhà thầu, EVFTA quy định, nhà thầu có thể bị loại nếu từng có phán quyết của tòa về tội nghiêm trọng, hoặc nếu từng vi phạm nghiêm trọng đạo đức chuyên môn. Cũng quy định về 2 trường hợp loại bỏ nhà thầu này, Nghị định số 09 chỉ giới hạn ở tiền sử 3 năm liền trước thời hạn đóng thầu. Lựa chọn này được đánh giá là hợp lý do nó phù hợp với một nguyên tắc chung trong pháp luật Việt Nam, theo đó mọi vi phạm (bị kết tội hình sự, hoặc vi phạm hành chính) đều có thời hạn xóa tiền án, tiền sự.

Tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch trong đấu thầu

Việc lựa chọn thực hiện mức độ cao hơn cam kết như trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, là do hiện trạng đấu thầu tại Việt Nam đã khả thi về mặt kỹ thuật, phù hợp, hoặc thống nhất với các nguyên tắc pháp lý khác, hệ thống pháp luật Việt Nam đã phát triển tiến bộ hơn so với thời điểm hoàn tất đàm phán và công bố các nội dung cam kết chính của EVFTA là từ tháng 2/2016.

Bà Trang cho rằng, cách tiếp cận “vừa đúng cam kết” có thể phù hợp với giai đoạn đầu, khi Việt Nam mới thực thi EVFTA, với nhiều nhiệm vụ xây dựng pháp luật phải hoàn thành theo cam kết. Tuy nhiên, khi các công việc này cơ bản hoàn tất, hoạt động xây dựng pháp luật gắn với EVFTA và các FTA cần tính tới mục tiêu thực chất hơn với Việt Nam, không chỉ giới hạn ở việc thực thi cam kết, mà cần vượt lên trên yêu cầu cam kết. Việc tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí thực hiện cao hơn cam kết quốc tế, sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, từ đó tạo niềm tin, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Theo đánh giá của Chính phủ, Luật Đấu thầu 2013 cùng với các luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tuy vậy, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu thầu, đảm bảo thực hiện chặt chẽ và tăng cường công khai thông tin đấu thầu như: điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu...

Còn theo đại biểu Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phương thức đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường, hạn chế sự can thiệp của con người trong hoạt động đấu thầu. Do đó, cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, bổ sung các chính sách, sự đầu tư của Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Tin cùng chuyên mục