Nhiều địa phương không quản được dự án FDI lớn

(BĐT) - Qua các sự cố về môi trường gần đây, vấn đề nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang được cả xã hội quan tâm. Câu chuyện phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài một lần nữa lại được nhắc đến.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Không đánh đổi môi trường để lấy dự án

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và triển khai công tác năm 2016 tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 8 này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sau 30 năm đổi mới, thu hút vốn FDI của Việt Nam đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đối với năm 2016, vốn FDI thực hiện tăng cao là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Tuy vậy, bên cạnh những mặt được, FDI cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Bài học từ sự cố Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung một lần nữa đặt ra yêu cầu các ngành, địa phương cần kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường. “Thu hút đầu tư phải có chọn lọc, hài hòa với lợi ích tổng thể của đất nước như: bảo vệ môi trường sinh thái; hạn chế sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; xả thải chất độc hại ra môi trường mà chưa qua xử lý… Phải kiên quyết từ chối những dự án và công nghệ lạc hậu có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Không đánh đổi bất cứ điều gì để lấy dự án đầu tư có những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tượng dễ dãi, thiếu cẩn trọng trong thẩm định cấp phép dự án FDI để cạnh tranh hút vốn FDI đã khiến nhiều dự án FDI bộc lộ những bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất đang lộ diện là một số dự án FDI do địa phương cấp phép đang phải đối mặt với tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT nhận định, nhìn trên tổng thể quốc gia, Việt Nam còn thiếu một chiến lược thu hút FDI mang tính nhất quán, vì vậy kết quả thu hút FDI thời gian qua không được như mong đợi. Theo lý thuyết, mục đích của việc thu hút FDI là để góp phần vào tăng trưởng và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta mới chỉ thực hiện được mục tiêu “tăng trưởng”, còn yêu cầu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thì chưa được coi trọng, mà chỉ đưa vào như một điều kiện ràng buộc khi thu hút FDI.

“Phân cấp” hay “phân quyền”?

Để nâng cao chất lượng thu hút FDI, chúng ta cần xem lại cơ chế phân cấp - thiết chế quản lý bộ máy nhà nước trong lĩnh vực này.
Để nâng cao chất lượng dự án FDI, ông Bùi Tất Thắng cho rằng, cần thành lập một Hội đồng khoa học thẩm định chất lượng dự án FDI độc lập. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của Hội đồng thì cơ quan quản lý nhà nước thụ hưởng kết quả đó mới ra quyết định. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích dự án sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, cải tạo môi trường... Chẳng hạn, nếu xây dựng nhà máy nhưng cam kết trồng thêm cây xanh, cải tạo môi trường thì dự án đó sẽ được khuyến khích lựa chọn và được nhận ưu đãi. Hàn Quốc là quốc gia đã thực hiện rất tốt chính sách.

Cũng theo ông Bùi Tất Thắng, về lâu dài, để nâng cao chất lượng thu hút FDI, chúng ta cần xem lại cơ chế phân cấp - thiết chế quản lý bộ máy nhà nước trong lĩnh vực này. “Không nên dùng từ “phân cấp”, mà nên thay bằng “phân quyền” và “ủy quyền”, vì việc phân định rõ phân quyền và ủy quyền còn liên quan đến nguồn lực để thực hiện. Phân cấp là phân chia giữa các cấp với nhau làm cùng một việc. Trong khi phân quyền là cấp trên và cấp dưới, Trung ương và địa phương. Phân quyền quy định rõ các quyền và giới hạn quyền mà các bên được làm” - ông Thắng nêu quan điểm.

Liên quan đến chủ trương phân cấp, hiện nay, theo quy định, thẩm quyền của UBND tỉnh trong cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 50 năm. Quá thời hạn này, địa phương cần báo cáo Chính phủ và khi đó, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền xem xét, cấp phép. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, thực tế những sự cố gần đây xảy ra ở các địa phương cho thấy, nhiều địa phương không đủ năng lực quản lý các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, thời gian chuẩn bị đầu tư và đầu tư kéo dài… Nhưng điều đáng quan ngại hơn là trong khi trình độ, năng lực cán bộ quản lý FDI của địa phương còn hạn chế như vậy thì giữa các địa phương lại diễn ra cuộc chạy đua thu hút FDI, dẫn đến nôn nóng, thu hút FDI bằng mọi giá với xu hướng quy mô dự án càng lớn càng coi là thành tích.

Tin cùng chuyên mục