Giá cao su giảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên. Ảnh: Huyền Trang |
Theo tài liệu được công bố, diễn biến giá cao su thế giới liên tục sụt giảm so với thời điểm đầu năm và cùng kỳ năm 2017 đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của các DN ngành này. Lợi nhuận của nhiều DN đang phải trông cậy vào hoạt động thanh lý cây cao su hoặc từ hoạt động tài chính.
Lợi nhuận từ cao su thiên nhiên giảm mạnh
Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 6/2018 ổn định so với tháng trước đó, ở mức 1.432 USD/tấn. Bình quân 6 tháng đầu năm 2018, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017 do giá thế giới giảm. Với diễn biến như vậy, mặc dù các DN trong ngành vẫn tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận gộp lại giảm mạnh so với cùng kỳ 2017.
Báo cáo tài chính quý II/2018 của Công ty CP Cao su Hòa Bình cho thấy, mặc dù doanh thu thuần đạt 20,8 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với quý II/2017 nhưng chi phí giá vốn tăng vọt 46% kéo lãi gộp của Công ty xuống chỉ còn hơn 633 triệu đồng, giảm tới 82% so với quý II/2017. Điểm nhấn trong kết quả kinh doanh quý II/2018 của Cao su Hòa Bình là doanh thu hoạt động tài chính đạt tới 4,59 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của doanh thu hoạt động tài chính đến từ khoản cổ tức 4,53 tỷ đồng được chia trong quý. Nhờ vậy, lãi trước thuế của Cao su Hòa Bình không thay đổi quá lớn so với cùng kỳ, đạt 0,96 tỷ đồng.
Giá cao su giảm cũng khiến cho lợi nhuận của Công ty CP Cao su Phước Hòa phải trông cậy vào hoạt động thanh lý tài sản. Cụ thể, báo cáo tài chính quý II của Công ty mẹ Cao su Phước Hòa cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 129,2 tỷ đồng, tăng trưởng 51,2% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ 2017. Phần lớn lợi nhuận của Công ty (hơn 118 tỷ đồng) đến từ việc nhượng bán, thanh lý tài sản cố định. Lũy kế 6 tháng, Cao su Phước Hòa đạt 209,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 29,7%.
Tương tự, biên lợi nhuận gộp quý II/2018 của Công ty CP Cao su Thống Nhất chỉ đạt 17,5%, giảm mạnh so với con số cùng kỳ là 22%. Điều này đã khiến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ tăng trưởng 14% so với cùng kỳ 2017 (đạt 4 tỷ đồng) mặc dù doanh thu tăng trưởng tới 43% (đạt 22,9 tỷ đồng). Trong kỳ, Công ty nhận được 17,6 tỷ đồng tiền cổ tức. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, Công ty ghi nhận mức lãi sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 19,6 tỷ đồng.
Chờ diễn biến từ giá dầu
Theo Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 6/2018, các đồn điền cao su tại Bình Phước bắt đầu khai thác mủ trở lại sau một thời gian gián đoạn. Mùa khai thác mủ cao su năm nay chỉ mới tiến hành được hơn một tháng nhưng giá cả của mặt hàng này hiện rớt liên tục khiến nông dân không khỏi lo ngại. Giá thu mua mủ cao su tại Bình Phước giảm nhẹ trong tháng 6, từ mức 285 đồng/độ cuối tháng 5 xuống 270 đồng/độ. Tại Đồng Nai, giá cao su nguyên liệu tiếp tục duy trì mức 13.100 đồng/kg.
Tính trong 6 tháng đầu năm, thị trường cao su trong nước diễn biến thiếu ổn định trong bối cảnh giảm cầu và tăng dự trữ của các nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, kết quả có thể sẽ khác nếu giá cao su tăng theo giá dầu. Do khi giá dầu tăng, cao su tổng hợp bị giảm dần sức hấp dẫn đối với các ngành sử dụng nguyên liệu cao su, trong đó có các hãng sản xuất lốp xe, thúc đẩy họ hướng tới sử dụng cao su thiên nhiên.