Phát điện cạnh tranh: DN kêu “khó”, Bộ hứa giải quyết trước 2019

Tính đến hết tháng 6/2017 đã có 76 nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu giải quyết dứt điểm trước khi vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Phát sinh nhiều vấn đề

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2012. Trải qua 5 năm vận hành, đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực.

Tính đến hết tháng 6/2017, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 76 nhà máy với tổng công suất đặt 20.728 MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).

Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được bảo đảm an toàn, liên tục. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Các thông tin về kế hoạch vận hành thị trường điện năm/tháng/tuần, vận hành thị trường điện, tình hình vận hành hệ thống điện đã được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia thị trường, góp phần giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện.

Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Không phủ nhận những kết quả này song nhiều nhà máy điện cũng trực tiếp nêu lên những khó khăn trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực - TKV cho biết, hiện các nhà máy điện chỉ được thanh toán 80% giá trị hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, nhà máy điện phải thanh toán tiền mua bán than theo tuần trong khi chu kỳ thanh toán tiền điện là 50 ngày. Vì vậy, Tổng Công ty Điện lực - TKV phát sinh khoản chi phí đi vay để thanh toán hợp đồng mua than, chậm thanh toán lại bị tính lãi.

“Đề nghị Bộ Công Thương xem xét rút ngắn được chu kỳ thanh toán tiền điện giúp nhà máy điện tránh phát sinh những khó khăn ngoài mong muốn”, ông Thịnh nêu ý kiến.

Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện của Tổng Công ty Điện lực - TKV còn gặp những bất cập trong quá trình vận hành. “Các nhà máy cùng đưa vào vận hành một thời điểm thì nên quy định không phân tách công suất huy động cho từng nhà máy, để tránh tình trạng cả 2 nhà máy cùng chạy nhưng chỉ đạt chế độ tải 40% công suất. Hiện chúng tôi đang mắc phải tình trạng này, tức là chạy cả 2 tổ máy thì non tải còn nếu chạy 1 nhà máy thì không đủ công suất huy động”, ông Thịnh cho biết.

Không chỉ vậy, đại diện các nhà máy điện còn nêu ra vấn đề về cơ cấu giá điện cũng như hướng dẫn tại Thông tư 56/2014/TT-BCT đều cho phép tính toán chênh lệch tỷ giá trong giá điện nhưng đến nay chưa được thực hiện. Hiện, khoản chênh lệch tỷ giá mới chỉ được giải quyết bằng cách treo lại hoặc giãn nợ.

Giải quyết khó khăn cho DN trước năm 2019

Trước những bức xúc của DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, hiện nay, thời gian thanh toán tuân thủ theo quy trình nhưng trong mỗi nhà máy đều có hợp đồng mua bán điện, trong đó có quy định thời gian thanh toán. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký số có thể rút ngắn thời gian thanh toán nên Cục Điều tiết điện lực đề nghị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo công ty mua bán điện trao đổi nghiên cứu phương án này.

Riêng với vấn đề thanh toán chênh lệch tỷ giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương đã trình cơ chế thanh toán cho các nhà máy điện theo lộ trình điều chỉnh giá điện trong khung giá sẽ được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới đây. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính để có hướng dẫn.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, những vướng mắc trong quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh cần được giải quyết để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo đó là vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.

Song song với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian vừa qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện theo thiết kế chi tiết đã được ban hành tại Quyết định 8266/QĐ-BCT. Đồng thời, trong giai đoạn vận hành thí điểm, các đơn vị thành viên thị trường đã từng bước làm quen với các cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thị trường điện Việt Nam còn mới mẻ, trong khi thị trường bán buôn dần hoàn thiện khung pháp lý, bộ máy nhân lực còn nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy cần tăng cường đào tạo cán bộ, chú trọng vào việc đào tạo qua mô hình mô phỏng để gắn liền với thực tiễn nhằm chuẩn bị sẵn bộ máy vận hành cho thị trường bán buôn. Đặc biệt là khâu dự báo phụ tải, để có chiến lược dự báo thị trường chính xác, hiệu quả.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc hình thành và phát triển thị trường điện, hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan đến vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, phát triển bộ máy nguồn nhân lực để năm 2019 khi đưa vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành chính thức được thông suốt và đạt được kết quả cao nhất.

Tin cùng chuyên mục