Bài toán tài chính luôn là sự quyết định sống còn đối với doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Bảo Tín |
Tiếp thêm nguồn lực tài chính
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) vừa báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, số lượng cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu đợt này là hơn 101 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động được hơn 1.220 tỷ đồng.
Như vậy, sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Tập đoàn Đất Xanh tăng từ hơn 6.207 tỷ đồng lên 7.224 tỷ đồng. Với số vốn huy động được, Công ty sẽ có thêm nguồn lực để triển khai các dự án trong thời gian tới.
Mới đây, Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (mã chứng khoán: TEG) cũng đã công bố thông tin bất thường về việc chào bán thành công 48 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về 480 tỷ đồng từ đợt chào bán nói trên.
Căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TEG thay đổi lần thứ 23, vốn điều lệ của Công ty hiện hơn 1.208 tỷ đồng. TEG kinh doanh chủ yếu 2 lĩnh vực năng lượng và bất động sản. Các dự án của TEG đã và đang được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đều rất "khát" vốn.
Đầu tháng 1/2024, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova - Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố phương án phát hành thêm 1,37 tỷ cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động (ESOP) năm 2022, 2023.
Về cổ phiếu riêng lẻ, Novaland sẽ chào bán tối đa 200 triệu cổ phiếu cho không quá 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp và sẽ bị hạn chế giao dịch 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Riêng với cổ đông hiện hữu, Novaland sẽ phát hành tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế giao dịch.
Số tiền thu được, Novaland dự kiến sử dụng để góp thêm vốn vào công ty con nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, đồng thời ưu tiên thanh toán lương cho cán bộ công nhân viên. Nếu thực hiện thành công, Tập đoàn dự kiến thu về khoảng 500 triệu USD.
Dòng vốn mới sẽ chảy vào các dự án
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Trần Khánh Ly - Công ty Luật GLAW cho rằng, phát hành cổ phiếu là công cụ hữu ích cho việc tạo nguồn vốn lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu sẽ giúp cho công ty phát hành có thể huy động vốn để mở rộng kinh doanh.
Quan trọng hơn, nguồn vốn huy động này không cấu thành một khoản nợ mà công ty phải có trách nhiệm hoàn trả, đồng thời áp lực về khả năng cân đối thanh khoản của công ty sẽ giảm rất nhiều.
Trong khi đó, nếu sử dụng các phương thức khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoặc vay nợ từ các tổ chức tín dụng thì hoàn toàn ngược lại, tức lắm rắc rối và có rất nhiều gánh nặng.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư cổ phiếu, việc họ “mặn mà” với phương thức phát hành này cũng đồng nghĩa với sự kỳ vọng đồng vốn họ đầu tư sẽ được các nhà quản lý doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả và tạo ra nhiều lợi nhuận.
Quan sát diễn biến của thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 đến nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, suốt thời kỳ khó khăn vừa qua, bài toán tài chính luôn là vấn đề quyết định sống còn đối với doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Trước áp lực các khoản nợ đáo hạn ngày càng tăng, đặc biệt là các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp, rất nhiều chủ đầu tư phải bán tháo dự án, tái cấu trúc toàn diện, chấp nhận làm lại từ đầu.
Cho nên, phát hành thêm cổ phiếu không những giúp cho doanh nghiệp tăng thêm số vốn tự có của mình, mà còn tránh bớt sự ràng buộc bởi nghĩa vụ phải trả lợi tức cố định.
Trong trường hợp công ty phát hành cổ phiếu có doanh thu và lợi nhuận chưa như mong muốn, thì bản thân doanh nghiệp đó cũng giảm bớt được nguy cơ phá sản trong trường hợp bị mất khả năng chi trả nợ.
Các công ty bất động sản thường tái tài trợ hoặc huy động vốn mới để đầu tư vào các dự án mới bằng cách phát hành trái phiếu mới, vay ngân hàng và/hoặc phát hành cổ phần. Ảnh: Bảo Tín |
Tuy nhiên, tham khảo ý kiến của một vài chuyên gia kinh tế chỉ ra, nhược điểm của phương thức này là khi phát hành cổ phiếu, nếu lượng cổ phiếu được mua lớn bởi một cổ đông/nhóm cổ đông nhất định sẽ làm ảnh hưởng đến cơ cấu nội bộ doanh nghiệp.
Ngoài ra, cổ phiếu có thể còn được mua bởi các công ty đối thủ với tham vọng chi phối hoạt động công ty, sẽ dẫn đến làm ảnh hưởng đến quyền lực của các cổ đông trước đó.
Cùng với đó, chi phí cho việc phát hành cổ phiếu thường cũng cao hơn so với chi phí để phát hành các loại trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi.
Theo báo cáo chiến lược năm 2024 của Công ty CP Chứng khoán SSI, doanh nghiệp địa ốc thường tái tài trợ hoặc huy động vốn mới để đầu tư vào dự án mới bằng cách phát hành trái phiếu, vay ngân hàng và/hoặc phát hành cổ phần.
Trong năm 2023, lúc thị trường trái phiếu chững lại do các nhà đầu tư bán lẻ lo ngại về các vấn đề phát sinh đối với trái phiếu khi một số tổ chức phát hành đã sử dụng tiền thu được từ trái phiếu không đúng mục đích trong năm 2022, các chủ đầu tư đã hạn chế sử dụng trái phiếu phát hành.
Do đó, các chủ đầu tư đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hoặc bán tài sản để tái cấp vốn cho các dự án (hoặc huy động vốn thông qua tăng vốn chủ sở hữu).
Với sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2023 với mức tăng 12% cũng như lãi suất cho vay giảm, các chủ đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục phát hành cổ phần mới hoặc vay từ các ngân hàng trong nước trong năm 2024.
“Trong năm 2023, có một số chủ đầu tư niêm yết có kế hoạch vay và huy động thêm vốn từ cả cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư khác. Chúng tôi cho rằng, các khoản vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu sẽ là nguồn chính để cơ cấu lại các khoản nợ hiện tại và đầu tư vào các dự án mới trong năm 2024”, Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định.