Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Và phía trước, khát vọng, mục tiêu phát triển của đất nước đặt ra càng lớn lao, nhiệm vụ đối với toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê sẽ càng nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, giữ ngọn lửa cải cách, đổi mới, chủ động, tiên phong, sáng tạo…
Báo Đấu thầu lược ghi những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về thành quả 75 năm qua của ngành Kế hoạch và Đầu tư, định hướng của ngành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thịnh vượng của đất nước.
Khẳng định vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”
75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt vai trò “kiến thiết quốc gia”. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Một là, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đây là trọng trách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao phó ngay từ khi được thành lập. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển cùng với chặng đường lịch sử của đất nước, công tác kế hoạch hóa đã có những bước phát triển, đổi mới phù hợp với từng thời kỳ, từ kế hoạch pháp lệnh sang kế hoạch định hướng, từ kế hoạch ngắn hạn chuyển dần sang định hướng trung hạn, dài hạn và tầm nhìn chiến lược.
Đến nay, đã có 3 chiến lược 10 năm và 10 kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội được triển khai. Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tổng hợp, xây dựng, tham mưu cho Đảng và Nhà nước Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021 - 2025. Các văn kiện này thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới. Đặc biệt, Chiến lược lần thứ 4 đã định hướng tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, cũng là 100 năm xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam đang có nền tảng tốt để chủ động hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất thế giới. Ảnh: Tường Lâm |
Hai là, thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới kể từ năm 1986, khởi đầu là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đã đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về thể chế kinh tế thị trường, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, thể hiện sự đột phá trong tư duy và hành động trong tham mưu thể chế, pháp luật của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Kể từ đó cho đến nay, hàng loạt đạo luật quan trọng về phát triển kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành với tư tưởng đổi mới, phục vụ sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế thời đại và quá trình hội nhập, bám sát chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng như các luật về doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công, quy hoạch, hợp tác xã...
“Trước yêu cầu, vận mệnh và thời cơ của đất nước, toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cần tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 75 năm xây dựng và phát triển. Từng cán bộ phải giữ vững bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao”.
Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ba là, thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, nghiên cứu, xây dựng, tham mưu các giải pháp, chính sách trong điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động của bối cảnh trong nước và quốc tế, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế. Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới cho đến nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các giải pháp, chính sách điều hành nền kinh tế vượt qua các đợt đại khủng hoảng của kinh tế thế giới như khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, khủng hoảng kinh tế năm 2008 và suy thoái kinh tế năm 2011.
Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả các quyết sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, với bản lĩnh, trí tuệ và sự đổi mới không ngừng nghỉ của mình, hơn lúc nào hết đã ngày càng khẳng định được vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.
Tiếp tục giải các bài toán khó của nền kinh tế
Chúng ta đang chuẩn bị bước vào năm 2021, năm khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.
Nhiệm vụ, trọng trách đặt ra trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề khi bối cảnh thế giới và trong nước ẩn chứa nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội, cùng với đó là những tác động làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, cách thức tiêu dùng truyền thống trên toàn cầu. Dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức khác như biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, dân số đang già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất...
Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội của đất nước còn rất to lớn. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tạo ra thời cơ lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Nước ta đang có nền tảng tốt để chủ động hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch.
Bối cảnh đất nước và những cơ hội, thách thức, yêu cầu phát triển trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ và ngành Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu chiến lược, quản lý tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu, khởi xướng cải cách phát triển, đổi mới sáng tạo; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; tư vấn cho Chính phủ trong cải cách thể chế, giải quyết các vấn đề cấp bách, huy động và phân bổ các nguồn lực, phát triển vùng và các lãnh thổ đặc biệt, triển khai thực hiện các mô hình kinh
tế mới…