Phát triển các đại đô thị: Cần chiến lược dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiến lược quốc gia trong công tác quy hoạch tại các thành phố lớn đã hướng tới việc mở rộng các khu đô thị vệ tinh ở khu vực lân cận hình thành nên các khu đô thị mới không chỉ giải quyết bài toán cấp thiết về nhà ở mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương và tạo nên sức bật mới cho cả một khu vực, hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Một phần của Khu đô thị VanPhuc City
Một phần của Khu đô thị VanPhuc City

Vị thế các đô thị mới

Hiện nay tại các tỉnh thành trong cả nước đã hiện diện nhiều khu đô thị mới được đầu tư và phát triển với quy mô từ vài chục lên đến vài trăm ha của các chủ đầu tư trong và ngoài nước.

Trải qua quá trình hàng chục năm xây dựng, việc hình thành các khu đô thị mới là minh chứng thực tế nhất cho thấy sự “thay da đổi thịt” của một vùng đất và giá trị gia tăng không ngừng đóng góp cho kinh tế địa phương về mọi phương diện.

Giá trị đầu tiên phải kể đến đó chính là yếu tố quy hoạch đồng bộ. Với quy mô các khu đô thị từ 50ha trở lên, các chủ đầu tư có thể quy hoạch hoàn chỉnh với hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận tiện với khu vực lân cận.

Các loại hình sản phẩm tại các khu đô thị khá đa dạng và phù hợp với nhu cầu về nhà ở của nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau từ thấp tầng đến cao tầng, từ bình dân đến cao cấp. Hơn thế nữa, các tiện ích nội khu được hình thành nhanh chóng từ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, công viên cảnh quan cùng với hàng loạt tiện ích khác đã tạo nên diện mạo mới cho một khu đô thị sầm uất, văn minh và hiện đại.

Cộng đồng dân cư mới theo đó hình thành theo thời gian và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Có thể nhận thấy sự khác biệt rõ nét về môi trường sống, không gian sống so với khu dân cư hiện hữu tại các khu vực lân cận. Một xu thế dịch chuyển rõ ràng của người dân vào sinh sống tại các khu đô thị mới khang trang, hiện đại và tiện nghi ngày càng gia tăng và chiếm tỷ trọng cao.

Một hệ sinh thái toàn diện đã được hình thành ngày càng hoàn chỉnh tại các khu đô thị mới, không chỉ là nhà ở mà còn các loại hình văn phòng, thương mại cùng các loại hình dịch vụ khác không ngừng phát triển. Khu đô thị mới đã trở thành các hạt nhân và các tâm điểm mới bên cạnh khu trung tâm hiện hữu, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển chung tại các thành phố lớn trong cả nước.

Chiến lược phát triển khu đô thị trong dài hạn

Với các dự án khu dân cư mới có quy mô từ 20ha trở lên hay các khu đô thị với quy mô từ 50ha trở lên, sẽ đòi hỏi thời gian triển khai lên đến hàng chục năm và không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để phát triển loại hình dự án này. Để có được quỹ đất đủ lớn, các chủ đầu tư phải đi trước một bước trong việc phát triển các quỹ đất ở khu vực lân cận hay khu vực ngoại thành.

Quá trình phát triển một đại đô thị thường phải chia ra làm nhiều phân kỳ đầu tư và phát triển. Chẳng hạn, Dự án VanPhuc City có quy mô 198ha tại TP. Thủ Đức do VanPhuc Group phát triển đã phân kỳ thành 5 giai đoạn đầu tư, mỗi giai đoạn mất khoảng 3 - 5 năm để đầu tư hoàn chỉnh về hạ tạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây dựng nhà cửa thu hút cư dân vào ở.

Sau hơn 5 năm đầu tư và phát triển, VanPhuc City hiện đã có hơn 3.000 cư dân sinh sống và gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động với đầy đủ tiện ích nội khu khép kín như trường học, bệnh viện, khu mua sắm, khu thể thao, hồ bơi, club-house và công viên cảnh quan… Như vậy đối với một dự án đại đô thị sẽ mất khoảng trên dưới 20 năm cho một chu kỳ đầu tư và phát triển hoàn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land

Xúc tác và rào cản trong quá trình phát triển

Từ những năm 2000, Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và kéo theo đó là tốc độ đô thị hóa cũng gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay tại các thành phố lớn đã lên đến khoảng 35% và dự báo sẽ tăng lên đến 45% vào năm 2030. Chính phủ đã nhận thấy sự quá tải cũng như những hạn chế trong việc tái thiết lập các khu đô thị hiện hữu đã trở nên chật hẹp so với nhu cầu phát triển và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Các khu đô thị mới thường có khoảng cách trong vòng bán kính 10 - 15 km so với khu vực trung tâm. Ở một số quốc gia, khoảng cách này có thể tăng lên 20 - 25 km do điều kiện giao thông thuận tiện. Thực tế, điểm hạn chế rất lớn chính là khoảng cách di chuyển và hạ tầng giao thông kết nối chưa thuận tiện tại một số khu vực dẫn đến mức độ thu hút cư dân về ở chậm và khó hình thành các khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp như kỳ vọng.

Ngoài ra thủ tục pháp lý kéo dài và nguồn lực đầu tư lớn cũng là một trong những rào cản khiến các chủ đầu tư không mặn mà lựa chọn loại hình dự án này.

Tuy nhiên trong dài hạn, việc phát triển các khu đô thị mới sẽ giúp nâng tầm thương hiệu đối với các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển vững mạnh cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, việc hình thành các khu đô thị mới, đặc biệt là các đại đô thị có quy mô hàng trăm ha trở lên sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ về kinh tế xã hội cho địa phương, giải quyết được bài toán phát triển bền vững tại các thành phố lớn, giúp giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm vốn ngày càng quá tải, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân…

Xu thế tất yếu của việc hình thành các khu đô thị mới

Có thể thấy xu thế phát triển các khu đô thị mới tại các thành phố lớn là tất yếu. Để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới một cách thuận lợi và hiệu quả cần sự quan tâm của cơ quản quản lý nhà nước.

Thứ nhất, cần chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế xã hội tại các thành phố lớn theo đó định hướng các trục phát triển chính của thành phố theo hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực.

Thứ hai, chiến lược xây dựng các khu đô thị mới phải đi cùng với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tạo sự kết nối thuận tiện, rút ngắn thời gian di chuyển và thu hút cư dân về ở.

Thứ ba, cần có chính sách ưu đãi kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu đô thị mới nhanh chóng và hiệu quả.

Điều quan trọng không kém là cần có cơ chế đặc thù dành cho các đại đô thị nhằm hỗ trợ kịp thời cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian triển khai do đây là các dự án có quy mô rất lớn và có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là bộ mặt phát triển của thành phố và cả nước.

TP. Thủ Đức được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2020 là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho khu Đông và TP.HCM trong thời gian sắp tới. Việc quy hoạch lại quỹ đất theo các định hướng phát triển lớn của TP. Thủ Đức là trở thành trung tâm về tài chính, khoa học công nghệ, sáng tạo, sinh thái, giáo dục… sẽ thu hút đông đảo lực lượng lao động và nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo đó sẽ tiếp tục hình thành thêm nhiều khu dân cư, khu đô thị mới tại khu vực tiềm năng này.

Xu thế phát triển các khu đô thị mới ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển các thành phố mới của thế giới, trong đó yếu tố con người được lấy làm trọng tâm với mục tiêu tạo nên sự cân bằng và hài hòa về sự liên kết xã hội, môi trường sống cũng như không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào địa phương cũng như quốc gia ngày càng thịnh vượng, văn minh và phát triển./.

Tin cùng chuyên mục