Phát triển hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội: Xây cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một 'siêu đô thị', Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trụ cột chính. Tuy nhiên, để xây dựng trụ cột này, cần nguồn lực đầu tư khổng lồ trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Theo các chuyên gia, chìa khóa cho vấn đề này là phải có những cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực tư nhân cùng Nhà nước vào cuộc.
Với khoảng 7,96 triệu phương tiện giao thông hiện có cùng tốc độ gia tăng phương tiện trung bình khoảng 4 - 5 %/năm, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Tường Lâm
Với khoảng 7,96 triệu phương tiện giao thông hiện có cùng tốc độ gia tăng phương tiện trung bình khoảng 4 - 5 %/năm, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Tường Lâm

Những rào cản, thách thức

Tại Tọa đàm Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững ngày 22/11/2023, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện. Với khoảng 7,96 triệu phương tiện giao thông hiện có cùng tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng 4 - 5 %/năm, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến tại Hà Nội. Do đó, nhu cầu phát triển hệ thống giao thông thông minh là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, phát triển hệ thống giao thông thông minh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, từ đầu tư hạ tầng đến chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường (điện, khí hóa lỏng). Nguồn lực đầu tư hiện tại cũng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu phát triển của hệ thống giao thông Thủ đô.

Theo GS. TS. Lê Hùng Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết vấn đề giao thông đô thị là rất cấp thiết, song việc đầu tư gặp thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện. Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít (chưa được một nửa so với yêu cầu). Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào phương tiện xe buýt và mới đáp ứng chưa được 20%. Phương thức giao thông xanh (đi bộ, xe đạp, xe động cơ điện…) chưa phổ biến. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ. Dữ liệu giao thông chưa được chú trọng thu thập, tập trung xử lý, chia sẻ, dẫn đến hiệu quả khai thác không cao, lãng phí. Các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ...

Thu hút đầu tư tư nhân bằng cơ chế đặc thù

Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, kinh nghiệm quốc tế chỉ rằng, cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông… Vấn đề là Chính phủ cần có cơ chế và xây dựng hồ sơ mời thầu hợp lý để hấp dẫn tư nhân tham gia đầu tư.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh của Thủ đô, Thành phố sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào vận hành hệ thống giao thông thông minh. Những định hướng chính sách đặc thù này đã được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tháng 11/2023 với dự kiến Luật được thông qua trong năm 2024.

Theo một số chuyên gia, muốn hiện thực hóa hệ thống giao thông thông minh bền vững, cần có quyết tâm chính trị của các cấp quản lý, cơ quan chức năng để từng bước đầu tư một cách bài bản, khoa học và có lộ trình chuyển đổi từ hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông đến khả năng sử dụng của đa số người dân. Các dự án cần được xây dựng minh bạch và tìm kiếm nhà đầu tư thông qua đấu thầu để thu hút nguồn lực xã hội.

Tin cùng chuyên mục