Phát triển kinh tế đạt mục tiêu kép

(BĐT) - Trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ 2016 - 2020, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cả hai mục tiêu là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những kết quả này đã tạo đà tăng trưởng, củng cố nền tảng để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Hôm qua (22/10), ngay trong ngày khai mạc của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo; hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu hàng đầu là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn và đẩy mạnh hơn nữa đổi mới tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận nhiều điểm nhấn quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung hạn. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Vũ Hồng Thanh chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn đối với tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Đặc biệt, tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng diễn biến mức tăng trưởng kinh tế của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Thực tế này đòi hỏi cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.

Đánh giá tình hình năm 2019, Ủy ban Kinh tế thống nhất với báo cáo của Chính phủ và lưu ý, trong công tác điều hành cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất đồng USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước.

Với những kết quả đã đạt được và việc phân tích hạn chế của 3 năm 2016 - 2018, cùng với đó là các giải pháp khắc phục, Ủy ban Kinh tế cho rằng, năm 2019 có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra cho giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa.

Phát triển kinh tế đạt mục tiêu kép ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016 - 2020… Kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng khá cao.

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Phát triển kinh tế đạt mục tiêu kép ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn 

Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Nhiều bộ, ngành đã bước đầu tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu…

Tin cùng chuyên mục