![]() |
Nhiều doanh nghiệp xác định đầu tư nhà ở xã hội không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là một phần trong cam kết trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững |
Nhiều chủ đầu tư cam kết đồng hành
Hưởng ứng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH" của Chính phủ, trong giai đoạn từ 2023 đến 2028, Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh đã và đang triển khai kế hoạch phát triển 40.000 căn NOXH ở 26 dự án, với tổng mức đầu tư lên đến 31.000 tỷ đồng. Được biết, Kim Oanh đang sở hữu hơn 500 ha đất tại nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang) và cam kết sẽ dành 20% diện tích để phát triển các dự án NOXH, phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp.
Từ năm 2022 đến 2030, Tập đoàn Hoàng Quân đặt mục tiêu cung ứng 50.000 căn hộ NOXH ra thị trường và tính đến nay đã triển khai xây dựng 24 dự án trên cả nước với tổng số hơn 35.000 căn. Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, Hoàng Quân luôn nhất quán với cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu phát triển NOXH. Cũng như nhiều DN khác, việc mang đến cơ hội an cư cho hàng triệu người dân có thu nhập trung bình và thấp là một phần trách nhiệm của Hoàng Quân.
Một loạt chủ đầu tư lớn khác như Vingroup, HUD, Nam Long, Viglacera… cũng đã và đang sẵn sàng “nhập cuộc” đầu tư vào phân khúc này. Trong đó, Vingroup đăng ký từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 500.000 căn hộ NOXH; HUD triển khai 2.800 căn hộ từ nay đến năm 2026, hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ NOXH vào năm 2030. Viglacera đang thực hiện 10 dự án NOXH với 17.200 căn và đã bàn giao cho Hà Nội 5.500 căn. Nam Long Group cùng các đối tác đăng ký thực hiện 60.000 căn NOXH ở các tỉnh, thành từ nay đến năm 2030.
Nhiều DN xác định việc đầu tư NOXH không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là một phần trong cam kết ESG - trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững. Dù trong quá trình phát triển dự án, không ít DN đối mặt với thực tế triển khai kéo dài, phải ứng vốn trong nhiều năm, chịu áp lực lãi vay, biến động giá vật liệu xây dựng và chi phí nhân công gia tăng liên tục. Tình trạng “lời giả - lỗ thật” không phải là hiếm đối với nhiều DN khi phát triển một số dự án NOXH trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô 593.428 căn. Trong đó, 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Mục tiêu năm 2025, cả nước phải hoàn thành xây dựng 100.000 căn NOXH, nhưng vẫn còn không ít địa phương bố trí quỹ đất để phát triển NOXH chưa tương xứng với nhu cầu.
Vẫn còn nhiều trở ngại
Có thể nói, phát triển NOXH chưa lúc nào sôi động như hiện nay, khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN vào cuộc quyết liệt, nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ chủ đầu tư, vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng, bởi những khó khăn trong triển khai dự án NOXH còn nhiều, không thua kém gì nhà ở thương mại.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh, một trong những trở ngại lớn nhất khi phát triển NOXH tại Việt Nam là việc giải ngân vốn vay. Gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội có cải thiện giải ngân được một số hồ sơ nhưng chưa thực sự đồng bộ. Với các dự án quy mô hàng chục hecta, tổng vốn đầu tư 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tình trạng giải ngân “lai rai” sẽ khiến DN và cả người mua nhà lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. Vì vậy, cần phải đảm bảo nguồn vốn, 120.000 tỷ đồng hoặc mức phù hợp để thực hiện chương trình 1 triệu căn NOXH.
Tiếp đó, vấn đề lãi suất vay mua NOXH cũng cần được ổn định ít nhất trong 10 năm. Kim Oanh cũng như nhiều chủ đầu tư khác cho hay, khi triển khai dự án NOXH, DN đã làm việc với ngân hàng. Ban đầu ngân hàng chấp thuận lãi suất cố định trong 10 năm hoặc lâu hơn, tuy nhiên sau đó lại đổi ý "6 tháng điều chỉnh một lần". Điều này làm cho người mua nhà rất hoang mang vì không biết sau 6 tháng có tăng hay không. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua NOXH cần có sự thống nhất chung để người mua yên tâm.
Lãnh đạo Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) chia sẻ, việc hàng trăm dự án vẫn đang nằm trên giấy do thủ tục hành chính phức tạp, quỹ đất chưa được tối ưu và đặc biệt là bài toán lợi nhuận thấp (tối đa 10%) đang khiến DN ngần ngại đầu tư vào NOXH. Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ đầu tư mong muốn, các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cần có ban chỉ đạo riêng để xử lý các vấn đề cụ thể. Cơ chế là do các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành thì việc tháo gỡ cũng phải bắt đầu chính từ các cơ quan đó.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Nam Long Group nhận định, để có quỹ đất làm NOXH thuận lợi, Nhà nước nên hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho DN bằng tiền của DN. Trường hợp DN có đất sẵn thì thực hiện thẩm định giá sát với giá thị trường, áp dụng bảng giá đất mới để rút ngắn thời gian. Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ nên xã hội hóa chương trình NOXH bằng nguồn vốn của các DN và nguồn vốn của xã hội. Khi đó, việc đề xuất có thêm cơ chế để tạo động lực cho các nguồn vốn xã hội tham gia phát triển NOXH sẽ dễ hơn.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NOXH tổ chức tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH". Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho NOXH cũng chưa như kỳ vọng. Trong khi đó, những vướng mắc, khó khăn của các DN đầu tư NOXH liên quan đến tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, chỉ định thầu, tín dụng, chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều. Do đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN cũng như toàn xã hội.