Phê chuẩn Công hàm về cấp thị thực giữa Việt Nam - Hoa Kỳ

Sáng nay (4/4), các đại biểu Quốc hội đã nghe và thảo luận về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, sáng 4/4, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đồng thời, các đại biểu cũng nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) tán thành với Tờ trình trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đại biểu nêu rõ việc phê chuẩn Công hàm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh Hoa Kỳ, giảm chi phí và thời gian cho người dân. Việc phê chuẩn cũng phù hợp với mức độ, quan hệ ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, về Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn để phù hợp với Khoản 3, Điều 32 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung điều khoản xác định rõ công hàm thỏa thuận này được áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần hay cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Nếu có thì cơ quan nào có trách nhiệm ban hành.

Đại biểu nhấn mạnh, việc bổ sung nội dung này phù hợp với báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày, theo đó, về cơ bản, thỏa thuận có thể được áp dụng trực tiếp, trong trường hợp cần thiết Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có thể xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa thuận này.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại cũng thống nhất cho áp dụng trực tiếp thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo Luật Điều ước quốc tế thì nội dung áp dụng trực tiếp phải được nêu rõ trong Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại và các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội khẳng định hồ sơ trình Quốc hội về phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đúng Hiến pháp; thủ tục phù hợp với Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; nội dung không trái Hiến pháp, các nội dung mà Quốc hội sẽ phê chuẩn có thể áp dụng trực tiếp mà không phải sửa luật.

Quốc hội nhất trí cho phép cấp thị thực có thời hạn một năm cho công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam. Qua báo cáo trình Quốc hội và các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉ đạo chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn công hàm với nội dung đã được góp ý để đảm bảo đúng Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.