Bất ngờ mua ròng trở lại
Tính từ đầu năm đến phiên giao dịch ngày 12-11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 16.500 tỉ đồng trên toàn thị trường, với các phiên bán ròng liên tiếp đã trở thành diễn biến xuyên suốt và quen thuộc. Dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau khi thiết lập đáy vào cuối tháng 3 cho đến nay, nhưng điều đó vẫn không mảy may làm khối ngoại thay đổi chiến lược giao dịch của mình khi vẫn tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hơn 6.500 tỉ đồng nếu tính từ thời điểm đầu tháng 4.
Đáng lưu ý là nếu loại trừ những phiên giao dịch mua thỏa thuận khủng tại một số doanh nghiệp lớn, như phiên mua gần 2.500 tỉ đồng MSN vào ngày 14-5, mua VHM gồm 14.500 tỉ đồng ngày 15-6, hơn 1.800 tỉ đồng ngày 20-8 và 5.400 tỉ đồng ngày 10-9, thì khối ngoại đã bán tổng cộng hơn 40.500 tỉ đồng từ đầu năm đến ngày 12-11, trong đó nếu tính từ đầu tháng 4 thì đã bán ròng hơn 30.500 tỉ đồng - một con số kỷ lục.
Nỗi lo ngại về dịch bệnh và rủi ro khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay lại các nền kinh tế lớn như Mỹ, hoặc chạy vào các tài sản an toàn như trái phiếu và vàng, khiến các thị trường cổ phiếu mới nổi và cận biên phải chứng kiến dòng vốn quốc tế không ngừng rút ròng, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Do đó, những phiên mua ròng trở lại gần đây của khối ngoại đã thu hút sự quan tâm đáng kể. Sau phiên mua ròng hơn 175 tỉ đồng vào ngày 13-11, thị trường tiếp tục chứng kiến khối ngoại bán ròng thêm hai phiên nữa vào ngày 16 và 17-11 với tổng giá trị hơn 512 tỉ đồng, và rồi sau đó là 4 phiên mua ròng liên tục vào các ngày 18,19,20 và 23-11, với tổng giá trị hơn 1.025 tỉ đồng, trong đó riêng sàn HOSE được mua ròng gần 1.129 tỉ đồng.
Kỳ vọng ở xu hướng dài hạn
Đầu tiên, việc chỉ số VN-Index đóng cửa trên mốc 970 điểm - được xem là đỉnh ngắn hạn của thị trường vào ngày 18-11, báo hiệu xu hướng tăng dài hạn trở lại, có thể đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay mua vào từ góc nhìn kỹ thuật.
Đối với Việt Nam, việc được MSCI nâng tỷ trọng dần trong vòng một năm tới dĩ nhiên cũng sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, bối cảnh tỷ giá ổn định, thậm chí tiền đồng đứng trước khả năng tăng giá so với đô la Mỹ, lạm phát được kiểm soát tốt, rủi ro phá giá tiền đồng gần như không còn cũng sẽ tạo sựhấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế VN-Index đã thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn theo biểu đồ kỹ thuật từ giữa tháng 10, dù vẫn đối mặt với khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh để thử thách lại các vùng hỗ trợ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ muốn đi sớm một bước, nhất là khi hiện có khá nhiều thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường.
Đầu tiên vẫn là thông tin về tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccin ngừa Covid-19 cho giai đoạn tới, yếu tố đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu vọt tăng mạnh từ đầu tháng 11 đến nay, khi dòng tiền thoát khỏi các tài sản an toàn và tìm kiếm các kênh đầu tư rủi ro hơn. Thực tế trong các phiên mua ròng vừa qua của khối ngoại, những cổ phiếu giá trị bị ảnh hưởng chính trong dịch bệnh vừa qua đã trở thành tâm điểm hút tiền, như VJC, VNM, VCB, VRE, VHM, HPG,...
Thứ hai, trong khi các nền kinh tế phát triển đang đứng trước lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trở lại vào cuối năm khi thời tiết trở lạnh, có thể lại rơi vào tình trạng trì trệ và đối mặt với nguy cơ suy thoái trở lại, Việt Nam vẫn cho thấy sự an toàn nhất định và tiếp tục là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng GDP dương trong năm nay.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 thêm 0,8 điểm phần trăm, lên 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset gần đây cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao.
Đáng lưu ý là trong khi các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế phát triển đã tăng quá mạnh thời gian qua, như chỉ số Dow Jones đang ở gần mức đỉnh lịch sử, S&P 500 và Nasdaq thậm chí liên tục lập những kỷ lục mới, dù nền kinh tế vẫn chìm trong khó khăn vì dịch bệnh, không loại trừ khả năng dòng vốn sẽ bắt đầu chuyển dịch sang các thị trường khác có tăng trưởng tốt hơn nhưng thị trường chứng khoán vẫn mới chỉ phục hồi tương đối, dư địa tăng trong tương lai vẫn còn lớn.
Điều này là có cơ sở, nhất là khi các gói kích thích khổng lồ và tiền rẻ tiếp tục được bơm mạnh ra tại các quốc gia phát triển. Ngoài ra, theo quỹ đầu tư Asia Frontier Capital (AFC), việc ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ có thể mang lại lợi thế cho thị trường cận biên châu Á, bên cạnh yếu tố lãi suất thấp, giá dầu thấp và sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Cụ thể, giới phân tích tin rằng chính sách đánh thuế của ông Biden nhắm đến những người có thu nhập trên 200.000 đô la/năm, trong đó có nhiều người đầu tư trên thị trường chứng khoán, nên sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường Mỹ và tìm kiếm các thị trường khác.
Đối với Việt Nam, việc được MSCI nâng tỷ trọng dần trong vòng một năm tới dĩ nhiên cũng sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, bối cảnh tỷ giá ổn định, thậm chí tiền đồng đứng trước khả năng tăng giá so với đô la Mỹ, lạm phát được kiểm soát tốt, rủi ro phá giá tiền đồng gần như không còn cũng sẽ tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, sức hút của nền kinh tế Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây, mới nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như kỳ vọng Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dưới nhiệm kỳ của ông Biden, không chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót ròng vào Việt Nam, mà còn giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi như là chất xúc tác thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Cũng cần lưu ý là việc khối ngoại mua ròng trở lại không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong ngắn hạn, mà thậm chí còn có thể diễn ra theo chiều hướng ngược lại, khi quá khứ cũng đã từng chứng kiến những diễn biến tương tự như vậy, nhất là khi VN-Index đang tiệm cận gần ngưỡng kháng cự tâm lý quanh 1.000 điểm.
Dù vậy, động thái trên của khối ngoại cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư nội, nên nếu thị trường có đối mặt với nhịp điều chỉnh giảm khi gặp áp lực chốt lời tại các vùng kháng cự 1.000-1.020 điểm, thì cũng kỳ vọng sẽ không giảm quá sâu.