Phục hồi xanh cũng cấp thiết như ứng phó Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Việt Nam đang có những cơ hội để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và phục hồi xanh cần là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển vào năm 2045. Việt Nam đã đi đầu trong ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn đi chậm. Những bài học, kỳ tích từ ứng phó Covid-19 có thể áp dụng để ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi xanh.

Nền kinh tế Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ kiểm soát được đại dịch. Ảnh: Lê Tiên
Nền kinh tế Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ kiểm soát được đại dịch. Ảnh: Lê Tiên

Đó là nhận định của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại lễ công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 21/12/2020.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã ứng phó rất tốt với đại dịch Covid-19, giúp khôi phục kinh tế, thể hiện dấu ấn trên toàn cầu cả về thương mại và đầu tư. WB dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,8% trong năm nay, tuy thấp hơn dự báo đầu năm nhưng là thành tích lớn khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn có tăng trưởng dương. Kết quả này càng ấn tượng hơn khi Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn nên sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ tình hình thế giới.

Việt Nam có được kết quả ứng phó với Covid-19 tốt như vậy, theo ông Jacques Morisset, là do 3 yếu tố chính. Thứ nhất là vì chuẩn bị sẵn sàng ở mức tốt trước khủng hoảng. Thứ hai, Chính phủ có khả năng phản ứng nhanh và quyết liệt ngay từ đầu bằng cách đóng cửa trường học và biên giới; chiến lược khéo léo nhằm truy vết khoanh vùng, xét nghiệm. Chính phủ có tầm nhìn, ngay từ đầu dịch đã biết phải làm gì, đã xây dựng nhóm công tác, ban chỉ đạo, có bước đi sớm để thực hiện. Và thứ ba là năng lực cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ sẵn sàng chi tiêu lớn cho ứng phó dịch, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. “Điều ngạc nhiên hơn so với các quốc gia khác là ngay trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam đã xây dựng nền tảng cho phát triển kinh tế số, tạo ra động lực tăng trưởng”, ông Jacques Morisset nhận định.

“Tại sao Việt Nam đi đầu trong ứng phó Covid-19, nhưng trong vấn đề biến đổi khí hậu lại chưa làm tốt?”, từ câu hỏi này, ông Jacques Morrise cho rằng một số bài học kinh nghiệm rút ra từ ứng phó với Covid-19 có thể áp dụng được với vấn đề khí hậu, môi trường, đi nhanh hơn về khôi phục xanh, tăng trưởng xanh. Nếu không ứng phó sớm thì chi phí về sau sẽ rất lớn, dự báo biến đổi khí hậu có thể làm cho 5 - 10 triệu người Việt Nam quay lại đói nghèo. Hơn nữa, môi trường cũng sẽ tác động trực tiếp đến kinh doanh do hiện nay nhiều nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm và muốn đầu tư ở những quốc gia có môi trường tốt.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn trong giai đoạn hiện nay nhờ kiểm soát được đại dịch, các nhà máy vẫn đang hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Một số công ty nghĩ đến việc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong khi các nước vẫn đang vật lộn với dịch bệnh. Tuy nhiên, khi vắc xin được triển khai ở tất cả các quốc gia và các quốc gia khác kiểm soát được dịch thì lợi thế này sẽ biến mất.

Làm sao để tạo ra, duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài sau khi phục hồi là rất quan trọng và Việt Nam đang có cơ hội để làm việc này. Việt Nam đang ở giai đoạn quyết định trong quá trình phục hồi sau Covid-19, có cơ hội đi nhanh hơn, bao trùm hơn, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai. Chính phủ Việt Nam cần suy nghĩ về những cải cách mang tính cơ cấu, hành động để đảm bảo quá trình phục hồi sau đại dịch chắc chắn hơn, trong đó, quá trình phục hồi thực sự bền vững là theo hướng phục hồi xanh, tăng trưởng xanh…

Tin cùng chuyên mục