Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Nhà ga T2 |
- Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Đoàn TP.HCM)
Bên cạnh vốn nhà nước, PPP đang đóng góp nguồn lực lớn cho TP.HCM để phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. TP.HCM là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về quy mô và số lượng các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, xã hội hóa. Số vốn mà doanh nghiệp tư nhân đầu tư thông qua hình thức PPP là khá lớn, như lĩnh vực cầu, đường, cấp nước sạch… và ngay cả lĩnh vực vệ sinh môi trường, xử lý chất thải. Đã có dự án PPP cấp nước sạch có công suất cả triệu m3/ngày đêm.
Sở dĩ thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách lớn như vậy là do Thành phố có nhiều điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi. Đồng thời với việc tạo cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi, sự phát triển đồng bộ về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khác với trước đây chỉ quan tâm đến chính sách ưu đãi của quốc gia hay địa phương đó, hiện nay người ta quan tâm nhiều hơn, hay cái mà người ta cần hơn là điều kiện hạ tầng phải đảm bảo, dịch vụ cung cấp điện tốt, giao thông nhanh chóng và hơn nữa là nguồn nhân lực.
Hiện nay, Thành phố đang theo hướng phát triển như vậy, tập trung vào các đột phá, bao gồm: phát triển hạ tầng, nâng cao nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Thành phố nhận định, nếu không chủ động phát triển nguồn nhân lực thì không thể phát triển công nghệ cao, bởi thời kỳ ưu thế dân số vàng, nhân công giá rẻ sẽ qua rất nhanh. Thứ hai là phát triển hạ tầng đồng bộ, kết nối đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy, bởi đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc giảm bớt thời gian, chi phí rất quan trọng. Thứ ba là thủ tục hành chính phải tinh giản, gọn nhẹ, nhanh chóng.
- Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tôi cho rằng, PPP là hình thức đầu tư rất tốt, là một trong những giải pháp hỗ trợ cho vốn đầu tư công. Đây có thể coi là “nguồn dẫn”, “kích hoạt”,“vốn mồi”, góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực ngân sách, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, PPP có thể là một trong những liệu pháp “cứu cánh” nâng cấp kết cấu hạ tầng ở nước ta.
Trên thực tế, mặc dù PPP chưa được triển khai nhiều ở Việt Nam, song hầu như những dự án giao thông được thực hiện theo hình thức đầu tư này đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao.
Do đó, khi nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra Danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, đã có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đang “xếp hàng” mong muốn tham gia các dự án PPP của Việt Nam.
- TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế
Thời gian vừa qua, chúng ta thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua cơ chế của hình thức PPP mới được một nửa. Tức là, chúng ta khẳng định được việc Nhà nước và nhân dân cùng làm là tốt, cần và được xã hội ủng hộ. Nhưng, một nửa còn lại thì theo quan điểm của tôi là chưa đạt.
Việc chưa đạt thể hiện ở 2 điểm. Một là, tốc độ triển khai các dự án PPP vẫn còn chậm. Hai là, quan trọng hơn là hợp tác PPP phải hài hòa được lợi ích của 3 bên, không để lợi ích chỉ nghiêng về nhóm doanh nghiệp.
Thời gian qua báo chí có thông tin về trường hợp dự án BOT được triển khai trên nền tảng là dự án đầu tư của Nhà nước được làm từ trước, nay trải thảm nhựa một chút trên bề mặt, lập trạm thu phí. Từ câu chuyện này chúng ta cần có sự phân định rõ ràng giữa PPP (trong đó có dự án BOT) từ đầu hay không từ đầu là khác hẳn nhau. Việc mập mờ cơ chế tính phí, thu phí từ những dự án như thế này sẽ khiến người dân chịu thiệt thòi.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải công khai các dự án, công khai các chi phí, giá thành và có tiến hành kiểm toán độc lập. Sau đó, đưa ra lộ trình thu phí với mức thu phí khác nhau và công khai điều này.
- Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam
Hình thức PPP có lợi ích rất rõ trong việc huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp, khu vực tư nhân giúp Chính phủ có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển đất nước.
Tuy nhiên, để nhà đầu tư tư nhân tích cực tham gia các dự án PPP thì cần khung chính sách pháp lý ổn định. Với các dự án PPP có thời gian dự án rất dài, nếu khung chính sách của Việt Nam thiếu ổn định thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước đang tham gia quá nhiều vào PPP và tham gia vào những lĩnh vực, dự án mang lại hiệu quả cao. Nhà nước thực tế chỉ nên làm những lĩnh vực, dự án mà doanh nghiệp tư nhân không làm hoặc không muốn làm, để dành những chỗ mang lại hiệu quả cao để kêu gọi nhà đầu tư.
Nhà nước cũng cần có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm tham gia vào các lĩnh vực, dự án PPP. Trên thực tế, số lượng dự án được triển khai theo hình thức PPP vẫn rất khiêm tốn. Trong khi hạ tầng của chúng ta vẫn còn yếu kém thì cần phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án PPP, tránh trường hợp để các nhà đầu tư “đổ xô” đi làm các dự án bất động sản mà “lơ đãng” với dự án PPP.
- Ông Nguyễn Thái Hưng, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam, Giám đốc Cty Tự động hóa, cơ khí, môi trường
Đầu tư theo hình thức PPP đã được các nước trên thế giới triển khai khá nhiều và mang lại những lợi ích đáng kể. Ở Việt Nam, hình thức đầu tư này cũng đã được triển khai, góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, điển hình là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
PPP là hình thức đầu tư rất tốt, góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực ngân sách chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhìn vào công tác quản trị, tôi cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có năng lực quản trị rất tốt, họ luôn sát sao để mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, trong một gói thầu/dự án công mà triển khai theo hình thức PPP, được doanh nghiệp tư nhân quản trị, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
- Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai
Lĩnh vực đang được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất vẫn là các dự án giao thông đường bộ, vì có khả năng thu hồi vốn từ thu phí đường bộ đối với các phương tiện giao thông. Đối với các dự án lĩnh vực khác, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm hoặc chưa được hiểu biết nhiều về các phương thức đầu tư cụ thể theo PPP.
Trong năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai lựa chọn triển khai 2 dự án PPP tiên phong, bao gồm: Dự án Đường Liên cảng huyện Nhơn Trạch và Dự án Đường Hương lộ 10 đoạn từ Trung tâm huyện Cẩm Mỹ đi Quốc lộ 1A. Trong đó, Dự án đường Liên cảng huyện Nhơn Trạch có quy mô dài 14,728 km với tổng vốn đầu tư khoảng 7.704 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường GPMB khoảng 838 tỷ đồng) đã có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty CP Tập đoàn Công Thanh. Dự án Đường Hương lộ 10 đoạn từ Trung tâm huyện Cẩm Mỹ đi Quốc lộ 1A có quy mô dài khoảng 24,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 570 tỷ đồng đã có 2 nhà đầu tư quan tâm. Sở Giao thông vận tải đang thực hiện quy trình để đấu thầu.
Cùng với đó, Đồng Nai đang kêu gọi đầu tư PPP 8 dự án như: Dự án Đường ven sông Cái, thành phố Biên Hòa; Dự án Đường liên phường Trảng Dài – Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa; Dự án Đầu tư cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến đường Hương lộ 2, thành phố Biên Hòa; Dự án Đường ven hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu; Dự án Tuyến Trảng Bom - Xuân Lộc; Dự án Đường tỉnh Bắc Sơn - Long Thành; Dự án Đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường; Dự án Nâng cấp đường ĐT 766 huyện Xuân Lộc. Ngoài ra, Tỉnh còn có một số dự án đầu tư các tuyến đường cấp huyện theo hình thức xây dựng - chuyển giao và thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư (BT).
Đầu tư theo hình thức PPP là nội dung khá mới mẻ, trong khi địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhất là đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, nên gặp nhiều khó khăn trong các bước lựa chọn nhà đầu tư (lập hồ sơ mời thầu, các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng…). Do ngân sách địa phương khó khăn, vì thế, các dự án đầu tư theo hình thức PPP là ưu tiên lựa chọn đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, quỹ đất sạch là hạn chế hoặc không tập trung nên quy mô nhỏ lẻ, khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư dự án khác. Bên cạnh đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều vướng mắc.
- Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Nghệ An)
Tập đoàn Thái Bình Dương – Facific đang lựa chọn hướng đầu tư theo hình thức PPP là chính. Chúng tôi xác định, đã đầu tư thì nên tính dài hạn, quản lý dự án khoảng 20 - 25, thậm chí là 30 năm. Nhưng muốn làm được như thế thì phải có vốn, đặc biệt phải có tính chuyên nghiệp trong quản trị, điều hành và bộ máy phải hoạt động minh bạch.
Chúng tôi nhận thấy PPP là một hình thức rất hay, nhà đầu tư bỏ vốn được Nhà nước bảo vệ bằng luật pháp. Hiện nay, Nhà nước để kêu gọi đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, xử lý nước thải, y tế, giáo dục. Các địa phương cũng đang triển khai theo đường hướng đó.
Muốn làm dự án PPP, trước tiên nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn, trong khi đó nguồn lực của doanh nghiệp trong nước rất hạn chế. Theo xu hướng trên thế giới, các doanh nghiệp lớn thường ít khi họ làm một mình. Việt Nam thì ngược lại, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa hay nhỏ, lại thường muốn làm một mình. Để chia sẻ thành công, rủi ro, một doanh nghiệp nên thực hiện dự án chung với 2 hoặc 3 doanh nghiệp khác. Hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta sẽ có nhiều cái lợi như tận dụng được nguồn vốn (với uy tín của đối tác lớn thì có thể vay vốn nước ngoài với giá rẻ, thời hạn dài mà không phải bảo lãnh chính phủ); đa dạng hóa loại hình phát triển; tận dụng được trí tuệ, chất xám, kinh nghiệm của họ - đó cũng là một nguồn vốn quý báu...
Nhưng để có được nguồn vốn này, trước tiên Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực, an ninh xã hội ổn định.
Thứ hai, doanh nghiệp trong nước phải thật sự mong muốn hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Trong giai đoạn đầu, Tập đoàn chúng tôi xác định làm “cửu vạn” – làm thuê cho đối tác nước ngoài, mình cố gắng làm tốt nhất cho họ thì đó cũng chính là làm tốt nhất cho mình. Muốn phát triển thì phải cọ xát, phải lăn lộn, lao vào thực tế, thì mới hiểu hết được đường đi, nước bước, sẽ có cái nhìn tổng thể cho tới chi tiết. Đấy là cơ hội để chúng ta tiến nhanh hơn. Lúc đầu chỉ nên làm một thứ, chỉ cần chiếm thị phần nhỏ thôi, dần dần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới có thể thành công. Khi đã thành công thì có thể đi một mình. Tôi tin chắc rằng, sau 10 - 15 năm nữa, Facific có thể tự lập được.
Để đạt được mục tiêu đó, doanh nghiệp phải tạo dựng được lòng tin. Nếu mình làm tốt thì tiếng lành đồn xa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, quan trọng hơn là phải giữ chữ tín, nói đi đôi với làm. Muốn tạo lòng tin thì anh phải minh bạch trong hoạt động, từ tài chính đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi các nhà đầu tư nước ngoài hết sức coi trọng sự minh bạch. Thứ hai là phải tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế. Đấy là cả một quá trình và phải đi từng bước chắc chắn.
Và yếu tố quan trọng nữa là bản thân doanh nghiệp cũng phải có kiến thức và tư duy không phụ thuộc. Cần chứng tỏ được chiến lược kinh doanh tốt, để người ta thấy là nếu đầu tư vào dự án A thì đằng sau còn có cả một thị trường rộng lớn hơn nữa.
Hiện nay, chúng tôi đang tham gia triển khai xây dựng một số dự án như: Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân (do đơn vị thành viên là Công ty CP Cảng tổng hợp Vĩnh Tân làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 2.292 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 70 năm, quy mô giai đoạn 1 là 2 bến cho tàu 30.000 DWT và 1 bến cho tàu 3.000 DWT); Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1 – Bình Thuận (chủ đầu tư là IPR-GDF SUEZ – châu Âu, Tập đoàn Sojitz – Nhật Bản và Pacific, với tổng vốn đầu tư là 2,2 tỷ USD)…