Các dự án PPP thường phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên nên tính rủi ro cao. Ảnh: Lê Tiên |
Nguyên nhân là do việc đánh giá hiệu quả đầu tư và phương pháp giảm thiểu rủi ro dự án PPP chưa thực sự được chú trọng.
Kiểm soát rủi ro còn lỏng lẻo
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) là rất cần thiết, đặc biệt là cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai dự án PPP mà không có bước đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả đầu tư, phương pháp giảm thiểu rủi ro dự án PPP sẽ tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
Thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương cho thấy, đang có một cuộc đua ngầm giữa các địa phương khi nơi nào cũng ồ ạt đề xuất và triển khai dự án PPP một cách tự phát, mà chưa thực sự chú trọng tới việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và những rủi ro có thể xảy ra trong suốt vòng đời dự án. Thậm chí có địa phương khi đề xuất danh mục dự án thực hiện theo hình thức PPP đã đưa vào tới 50 dự án. Trong khi không ít địa phương thừa nhận, đầu tư theo hình thức PPP còn khá mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và thường gặp vướng mắc trong quá trình triển khai.
Chia sẻ về tình hình triển khai các dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua, một ý kiến cho biết, Bộ này đã triển khai hàng loạt dự án PPP, tuy nhiên, đến nay, không ít dự án đã bộc lộ bất cập, xuất hiện rủi ro mà chưa hề được tiên liệu trong quá trình chuẩn bị dự án.
Nghiên cứu về tình hình triển khai dự án PPP tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, một số chuyên gia của OECD cho biết, thực tế cho thấy, nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa thực sự mặn mà với dự án PPP. Nguyên nhân là do có độ rủi ro cao, sự thay đổi về chính sách, pháp luật… Phân loại rủi ro cấp quốc gia của OECD đối với các nước khu vực Đông Nam Á, ông Knut Gummert - chuyên gia phân tích chính trị Ban Đông Nam Á của OECD cho biết, Việt Nam ở mức rủi ro cao (mức 5), chỉ đứng trước Lào (mức 7) và Campuchia (mức 6). Trong khi đó, Singapore ở mức thấp nhất – mức 0, Brunei và Malaysia ở mức 2, mức 3 là các nước còn lại (Indonesia, Philippines, Thái Lan).
Không đẩy rủi ro cho nhà đầu tư
Rủi ro trong dự án PPP, theo ông Knut Gummert, bao gồm các rủi ro về chính trị, chính sách, pháp luật, thương mại... Một khi rủi ro càng cao thì chi phí quản lý rủi ro càng lớn, mà người phải chi trả cuối cùng vẫn là Nhà nước và người dân.
Để kiểm soát rủi ro, ông Ian Hawkesworth cho biết, OECD đưa ra bộ 12 nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc xác định rủi ro và lựa chọn bên nào có khả năng quản lý rủi ro tốt nhất với chi phí thấp nhất; cơ quan phụ trách triển khai các dự án được chuẩn bị giai đoạn giám sát khi dự án PPP được triển khai; phải đàm phán lại sau một thời gian triển khai trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư được đưa lên hàng đầu; hơn hai nhà thầu tham gia để đảm bảo cạnh tranh…
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, các dự án PPP thường phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên, tính rủi ro cao, thời gian kéo dài, chi phí lớn… Cho nên, việc lựa chọn đầu tư dự án PPP hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá hiệu quả đầu tư, tiên lượng các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án để tối ưu hóa quản lý rủi ro, giảm thiểu rủi ro. Tối ưu hóa rủi ro chứ không phải tối đa hóa rủi ro, đẩy hết trách nhiệm, rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu dự án nào Nhà nước quản lý rủi ro tốt với chi phí thấp hơn thì PPP không phải là lựa chọn duy nhất ưu tiên áp dụng. PPP không thể biến dự án tồi thành dự án tốt, mà dự án phải được chuẩn bị tốt ngay từ đầu.