Trong 3 tháng đầu năm 2016, PTIC đã chi gần 111 tỷ đồng để đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu. Ảnh: Lê Tiên |
Không ngoài dự đoán, nhờ việc bán trụ sở (là khu đất làm Văn phòng Công ty tại thôn Pháp Vân - Hoàng Liệt - Hà Nội) vào đầu năm 2016, PTIC đã ghi nhận 49 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn cả lãi nhiều năm trước đó cộng lại của Công ty.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước đây, vấn đề của PTIC không phải là lợi nhuận bao nhiêu (vì đây là khoản lợi nhuận bất thường), mà dòng tiền đã được Công ty sử dụng như thế nào.
Dòng tiền đầu tư vẫn âm
Theo lẽ thường, việc bán tài sản sẽ mang lại một dòng tiền đầu tư khủng cho PTIC. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, dòng tiền này trong 3 tháng đầu năm vẫn âm 56 tỷ đồng. Vậy lý do là gì?
Thứ nhất, số tiền thực thu từ việc bán tài sản của PTIC chỉ là 27,2 tỷ đồng trong khi giá bán khu đất là 72,5 tỷ đồng. Đối tác mua tài sản là Công ty CP Đầu tư Phát triển ngành nước và môi trường trước đó đã đặt cọc 43,5 tỷ đồng chuẩn bị cho thương vụ chuyển nhượng này.
Thứ hai, Công ty đã chi đậm tới 158 tỷ đồng cho việc mua chứng khoán kinh doanh và đầu tư đơn vị khác, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm. Số tiền này đã xấp xỉ vốn điều lệ của PTIC tại thời điểm cuối quý I năm nay (180 tỷ đồng).
Vấn đề là, với một công ty chuyên mảng xây lắp các công trình và khách hàng được chú trọng trong ngành bưu điện, việc chi đậm tiền đầu tư của PTIC gây không ít băn khoăn cho cổ đông. Cổ phiếu PTC hiện đang được giao dịch xung quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mệnh giá. Tuy nhiên, so với giai đoạn khủng hoảng dòng tiền cách đây 2-3 năm, đây đã là mức giá đáng mơ ước. PTC đã từng có mức giá xung quanh 3.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn “thê thảm” đó.
Trong một diễn biến khác, ông Võ Anh Linh, Chủ tịch HĐQT PTIC từ chỗ không nắm giữ cổ phần PTC (tại thời điểm cuối quý II/2015), hiện đã sở hữu 19,1% cổ phần PTC sau nhiều lần mua gom.
Ồ ạt đầu tư
Tại thời điểm cuối quý I/2016, giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PTIC đạt trên 161 tỷ đồng, trong đó 130 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, 35 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (là các trái phiếu và tiền gửi ngắn hạn). Công ty trích lập dự phòng 3,8 tỷ đồng cho các khoản đầu tư nói trên.
Như vậy, việc đầu tư của PTIC chưa dừng lại ở SDY – một công ty đã khiến PTIC “ăn quả đắng” năm 2015. Các khoản đầu tư đầu năm 2016 của PTIC khác năm vừa qua ở chỗ là mang tính ngắn hạn và giá trị lớn hơn gấp nhiều lần.
Cụ thể, trong 3 tháng, PTIC đã chi ròng gần 111 tỷ đồng để đầu tư ngắn hạn các cổ phiếu của Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam – GELEX (71,2 tỷ đồng), Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam - CAV (29,6 tỷ đồng) và Tổng công ty CP Đường sông Việt Nam – SWC (10 tỷ đồng).
Vì là khoản đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, PTIC sẽ phải bán/chuyển nhượng trong năm nay. Các khoản đầu tư nói trên cũng không phải là đầu tư chiến lược, do thời hạn của khoản đầu tư. Với khối lượng cổ phiếu tương đối lớn như vậy, việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty là không thực sự dễ dàng. Ngoài CAV là cổ phiếu niêm yết chính thức trên HoSE, 2 cổ phiếu còn lại đều đang giao dịch trên UpCOM. Tính thanh khoản của cả 3 cổ phiếu này đều tương đối èo uột.
Số tiền bán tài sản của PTIC, vì vậy thay vì được mang đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đã được lãnh đạo Công ty sử dụng vào việc mua bán cổ phiếu. Lợi nhuận là điều chưa thể nói trước. Trong khi đó bài học về khoản đầu tư vào SDY năm 2015 vẫn còn đó với những khoản trích lập dự phòng, trực tiếp khiến PTIC thua lỗ.
Ngày 23/5 tới đây, PTIC sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Với khoản lợi nhuận khổng lồ trong quý I, Công ty vẫn chưa xóa hết lỗ lũy kế (vẫn còn 4,7 tỷ đồng). Việc chia cổ tức cho cổ đông vì vậy là điều chưa thể nói trước.