PV Power hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn

(BĐT) - 30 nhà đầu tư muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), nhà đầu tư chiến lược có cơ hội sở hữu trên 36% vốn điều lệ của PV Power, không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 49% và cố gắng phấn đấu đến năm 2028 chiếm 20% tổng sản lượng phát điện cả nước là những điểm chính trong chia sẻ của đại diện PV Power trước thềm cổ phần hóa diễn ra ngày 31/1/2018.
Nhà máy Điện Vũng Áng 1
Nhà máy Điện Vũng Áng 1

Nhà đầu tư chiến lược có thể nắm giữ 36% vốn điều lệ

PV Power được thực hiện cổ phần hóa theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước, cụ thể là giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xuống 51% sau khi hoàn tất công tác cổ phần hóa theo thứ tự IPO, cổ đông chiến lược, bán cho công nhân viên. Theo phương án cổ phần hóa, số lượng bán cho nhà đầu tư chiến lược là 28,882% vốn điều lệ. Tuy nhiên, nhà đầu tư tham gia cả IPO và mua chiến lược thì có thể nắm giữ 36% và có quyền phủ quyết. Sau năm 2019, nếu PV Power có thể đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế để tái cấu trúc khoản vay Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 thì có thể giảm tiếp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống dưới 51%. Ngoài ra, các doanh nghiệp phát điện không nằm trong danh mục hạn chế các nhà đầu tư tham gia, vì vậy, không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Đây là một trong những điểm hấp dẫn trong thực hiện cổ phần hóa PV Power.

Sau những roadshow giới thiệu đầu tư tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… cách đây 1 năm, cổ phiếu PV Power đã nhận được sự quan tâm của 100 nhà đầu tư chiến lược. Nhóm một bao gồm: các đơn vị phát điện, cùng ngành nghề với PV Power nhưng có năng lực tốt hơn, kỹ thuật tiên tiến hơn và quản trị tốt hơn. Nhóm thứ 2 là chủ mỏ khí và than từ Indonesia, Australia, Qatar và Saudi Arabia. Tuy nhiên, qua công tác cung cấp thông tin thì cô đọng lại còn 30 nhà đầu tư phù hợp với mong muốn của PV Power, có thể cùng PV Power gắn bó lâu dài. Trong số 30 nhà đầu tư này, PV Power đang làm lộ trình cung cấp thông tin một cách chi tiết hơn, cập nhật hơn để họ có cơ sở làm bản chào mua.

Hiện tại, PV Power đang tiến hành các bước để báo cáo với PVN và các cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách ngắn theo từng bước một các nhà đầu tư chiến lược quan tâm và sau đó sẽ tiến hành lựa chọn theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước. 

Đến năm 2028, tổng sản lượng điện của PV Power sẽ chiếm 20% cả nước

Bức tranh tương lai của PV Power

Mục tiêu đầu tiên của ban lãnh đạo PV Power là phải duy trì ổn định như hiện tại, sau đó mới là bài toán tăng trưởng. Hiện nay, Tổng công ty cũng đang cho thấy xu thế tăng trưởng khi lợi nhuận sau thuế năm 2017 tăng 48% so với năm 2016.

PV Power đã bám sát định hướng của Chính phủ là phát triển nhà máy điện khí và khởi đầu cho các dự án mới của doanh nghiệp này là 2 nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 có tổng công suất 1.500 MW đặt tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là khu vực nằm trong tam giác kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Trong quá trình đầu tư 2 nhà máy này, PV Power sẽ rút kinh nghiệm các khiếm khuyết nếu có trong đầu tư Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 2 cũng như công tác đàm phán hợp đồng giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sau cụm nhà máy Nhơn Trạch sẽ là cụm nhà máy điện khí sử dụng khí Lô B - Ô Môn ở Kiên Giang, cụm nhà máy sử dụng khí Cá Voi Xanh ở Quảng Nam, miền Trung, các cụm nhà máy điện khí ở Sơn Mỹ. Hiện tại, các cụm nhà máy này đang thuộc về PVN, nhưng tùy thuộc năng lực PV Power, PVN sẽ tạo điều kiện tối đa để đầu tư hoặc cùng đầu tư. Đến năm 2028, khi hoàn tất đầu tư 4 cụm nhiệt điện khí trên thì tổng sản lượng điện của PV Power sẽ chiếm 20% cả nước chứ không phải 12% như hiện nay.

Ngoài ra, PV Power tập trung kinh doanh và nhập khẩu than để cung cấp toàn bộ nguyên liệu than cho các nhà máy PVN đầu tư. Đồng thời, lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa cũng là thế mạnh của PV Power. PV Power còn có thể cung cấp dịch vụ vận hành cho các nhà máy nhiệt điện than của PVN trong trường hợp không chuyển giao được về cho PV Power. 

Lợi thế từ giảm chi phí lãi vay

Đại diện PV Power cho biết, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 đã trả hết nợ năm 2016, Nhà máy Điện Cà Mau năm 2018 sẽ trả hết nợ và Nhơn Trạch 2 là năm 2021. Như vậy, từ năm 2021 trở đi các nhà máy điện khí của PV Power sẽ trả hết nợ và chỉ còn vốn chủ sở hữu.

Năm 2018 có ý nghĩa lịch sử đối với PV Power khi lần đầu tiên chuyển đổi hoạt động từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần. Theo nguồn tin từ PV Power, nếu phiên IPO vào ngày 31/1/2018 diễn ra thành công, doanh nghiệp này sẽ cố gắng chuẩn bị các thủ tục để tiến hành ĐHĐCĐ lần đầu vào đầu tháng 3/2018 và sau đó tiến hành các thủ tục đăng ký, đưa cổ phiếu của PV Power lên sàn UPCoM ngay để bảo đảm quyền lợi của các cổ đông. Mặt khác, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, từ chỗ “ông chủ” là PVN thì nay PV Power sẽ có nhiều ông chủ hơn, đó là các cổ đông. Do đó, PV Power sẽ gặp áp lực về quản trị doanh nghiệp, sự đòi hỏi tính minh bạch cao, từ đó hiệu quả hoạt động cũng sẽ cao hơn.

Tin cùng chuyên mục