Chiêu cũ dùng lại
Đầu tháng 6/2016, PVX đăng ký bán hết cổ phần nắm giữ tại 4 công ty liên kết thông qua thị trường chứng khoán, bao gồm: CTCP Trang trí nội thất Dầu khí (PID), CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) và CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM).
Cả 4 cái tên này đều từng xuất hiện trong danh sách thoái vốn mà PVX công bố đầu năm 2014 nhưng chưa thực hiện thành công. Điểm khác biệt là hiện tại, cổ phiếu của 4 doanh nghiệp này đã “rơi” xuống thị trường UPCoM.
Với thanh khoản cổ phiếu èo uột, trong khi hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp không mấy sáng sủa, nhiệm vụ thoái vốn của PVX tiếp tục bị đặt dấu hỏi lớn. Đáng nói, 3 trong 4 cổ phiếu này vừa rơi vào diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM (chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần) từ 26/5/2016, do âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý I/2016.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu CTCK Bảo Việt, rất ít khả năng PVX thoái vốn thành công và hoạt động này có thể chỉ mang tính hình thức. Cơ hội duy nhất với PVX là tìm được một nhà đầu tư chiến lược để chuyển nhượng cổ phần, tuy nhiên, thường doanh nghiệp bị thoái vốn phải hoạt động tốt hoặc ít nhất là có tiềm năng để phát triển mới tạo nên sức hút.
Thực tế, tháng 4 năm nay, PVX đã thực hiện thoái vốn thành công tại CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) nhờ tìm được đối tác chấp nhận “ôm” toàn bộ 4 triệu cổ phiếu PVL là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, trong đợt thoái vốn này, PVX khó tìm được một “ân nhân” như vậy.
Một vấn đề khác đối với PVX là thoái vốn với giá nào. Nếu nhìn vào thị giá của các cổ phiếu nói trên tại sàn UPCoM, nhiều khả năng PVX sẽ phải chịu tổn thất lớn khi chênh lệnh giá thị trường của khoản đầu tư so với giá gốc không hề nhỏ.
Đơn cử, trường hợp cổ phiếu PID của CTCP Trang trí nội thất Dầu khí, cổ phiếu duy nhất không rơi vào diện hạn chế giao dịch trong 4 cái tên kể trên, đồng nghĩa với việc PVX có cơ hội thoái vốn lớn nhất tại doanh nghiệp này. Hiện tại, cổ phiếu PID đang giao dịch với mức giá 2.000 đồng/CP, như vậy 2 triệu cổ phiếu, tương đương 50% vốn PID mà PVX đang sở hữu chỉ có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, bằng 1/5 giá gốc của khối tài sản này là 20 tỷ đồng.
Khoản chênh lệch trên là không đáng kể khi so với sự rớt giá của các khoản đầu tư tại PXM, PSG và PVA, bởi hiện tại 3 cổ phiếu này đang giao dịch tại UPCoM với thị giá chưa tới 1.000 đồng/CP. Mặc dù vậy, PVX đã trích lập dự phòng 100% cho các khoản đầu tư này, bao gồm 73,5 tỷ đồng cho PXM; 83,8 tỷ đồng cho PSG và 55 tỷ đồng cho PVA nên dù bán với giá nào, PVX cũng sẽ thu lợi nhuận.
Khó có sóng cổ phiếu
Còn nhớ năm 2014, PVX đã công bố chủ trương thoái toàn bộ vốn góp tại 13 công ty niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán thông qua phương thức khớp lệnh. PVX cho biết, giá chuyển nhượng sẽ theo giá thị trường nhưng không chịu bán lỗ các khoản đầu tư này.
Thực tế, kế hoạch thoái vốn của PVX đã không đạt được kỳ vọng. Trong năm 2015, PVX chỉ thực hiện thoái vốn toàn bộ tại 5 đơn vị với tổng giá trị thu về là 121,44 tỷ đồng, so với 147,12 tỷ đồng giá trị đầu tư. Tính đến 31/12/2015, PVX vẫn tham gia đầu tư tại 34 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư 3.228,92 tỷ đồng. Trong đó có 9 công ty con, 12 công ty liên doanh liên kết và 13 đơn vị tài chính khác.
Mặc dù hoạt động thoái vốn không thực hiện thành công, tuy nhiên, thông tin thoái vốn của PVX tại thời điểm đầu năm 2014 đã tạo tác động tích cực, giúp cổ phiếu PVX liên tục được săn mua và tăng trần nhiều phiên sau đó.
Đánh giá về khả năng có sóng cổ phiếu PVX lần này, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, để thị trường phản ứng với thông tin thoái vốn thì sanh sách thoái vốn phải đặc biệt. Ở thời điểm hiện tại, PVX đã có tiếng kinh doanh thua lỗ nên đơn thuần hoạt động thoái vốn rất khó tạo sóng như năm 2014.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của PVX, tính đến 31/3/2016, Công ty lỗ lũy kế 2.896 tỷ đồng. Trước đó, tại báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán, với khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, kiểm toán viên đã đưa ra lưu ý ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVX.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tụt dốc không phanh của doanh nghiệp xây lắp dầu khí hàng đầu tại Việt Nam từ giai đoạn năm 2012 đến nay là sự thất bại của hoạt động đầu tư tại các công ty con. Cụ thể, việc hầu hết các công ty con kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nặng nề khiến PVX bị mất vốn trong các khoản đầu tư. Ngoài ra, PVX bảo lãnh vay vốn cho các công ty con nhưng không có khả năng thanh toán dẫn đến Tổng công ty phải trả nợ thay và trích lập dự phòng vào chi phí của Tổng công ty mẹ.
Quý I/2016, PVX cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh liên kết trong kỳ đa số gặp khó khăn, chỉ duy nhất 4 doanh nghiệp có lãi.