Ảnh Internet |
Cụ thể, 69% CEO châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong 12 tháng tới, trong khi năm ngoái 76% các CEO cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện. Mặc dù triển vọng kinh tế có phần ảm đạm, Việt Nam vẫn được kỳ vọng cao vào tăng trưởng trong năm 2023.
53% CEO châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các mô hình kinh doanh hiện tại của họ sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ tới (nhiều hơn 14% so với kết quả khảo sát toàn cầu). Do đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh để tồn tại và phát triển.
Khi kinh tế vĩ mô đang trên đà đi xuống, đứng trước sự bấp bênh và lạm phát tăng cao ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, các CEO châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối diện với nhiệm vụ kép: vượt qua trở ngại ngắn hạn bên ngoài để thúc đẩy lợi nhuận và tồn tại, đồng thời tái thiết lập doanh nghiệp cho tương lai.
Những mối quan tâm hàng đầu của các CEO
Trong khi y tế, sức khỏe và an toàn thông tin là mối quan tâm hàng đầu của năm ngoái, các CEO năm nay đặc biệt chú trọng đến tác động của suy thoái kinh tế. Lạm phát (41%) và biến động kinh tế vĩ mô (30%) được ghi nhận là rủi ro lớn nhất cho các CEO trong khoảng thời gian ngắn hạn (12 tháng tới) và trung hạn (5 năm tới).
Xung đột địa chính trị (30%) cũng là một trong những rủi ro hàng đầu. Xung đột tại Ukraine và mối lo ngại ngày càng tăng về các điểm nóng địa chính trị trên toàn thế giới khiến cho các CEO châu Á - Thái Bình Dương phải định hình lại mô hình kinh doanh của họ.
Mặc dù kỳ vọng của các CEO về nền kinh tế toàn cầu đang giảm sút, các CEO ở châu Á - Thái Bình Dương nói riêng có phần lạc quan hơn so với các đồng nghiệp trên toàn cầu. Đặc biệt, CEO ở các quốc gia lớn tại châu Á - Thái Bình Dương được báo cáo có mức độ lạc quan cao nhất đối với tăng trưởng trong nước: Trung Quốc (64%), Ấn Độ (57%) và Indonesia (50%) (so với toàn cầu là 29%). Việc chú trọng đến lợi ích quốc gia hơn là lợi ích toàn cầu thể hiện đà phát triển của các xu hướng đang diễn ra. Tuy nhiên, các thành tố kinh tế cơ bản của khu vực tiếp tục được củng cố nhờ tự do hóa thương mại và các thị trường chào đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của các CEO tại châu Á - Thái Bình Dương trong 12 tháng tới |
Các CEO cần sẵn sàng cho những biến động
Theo PwC, các CEO tại Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt thử thách tương tự như các CEO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ vừa phải dẫn dắt doanh nghiệp theo hướng phù hợp với bối cảnh kinh tế thực tại, vừa phải chuẩn bị tiềm lực cho doanh nghiệp phát triển trong tương lai. Cân bằng được hai ưu tiên này, hay còn gọi là "nhiệm vụ kép" là điều cốt yếu cho sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày nay.
Từ kinh nghiệm các CEO trong khu vực, theo PwC, các nhà lãnh đạo tại Việt Nam có thể lưu ý 5 vấn đề sau đây, từ đó hành động để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của công ty.
Niềm tin vào triển vọng của thị trường Việt Nam: Mặc dù CEO tại châu Á - Thái Bình Dương kém lạc quan về tình hình kinh tế thế giới như trước đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ vượt trội so với các nước trong khu vực và trung bình toàn cầu. Bất chấp triển vọng kinh tế toàn cầu khá ảm đạm, Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi lớn với kết quả là GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu (3,2%) và châu Á Thái Bình Dương (4%). Tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo có thể lên mức 7,2%
Trở nên kiên cường trước những biến động: Hơn 50% nhà lãnh đạo tại châu Á - Thái Bình Dương định cắt giảm chi phí vận hành, đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá, điều chỉnh chuỗi cung ứng. CEO tại Việt Nam nên tập trung vào hiệu quả để đảm bảo tính liên tục và khả năng cạnh tranh, bởi Việt Nam cũng phải đối mặt với những thay đổi và mối đe dọa đến từ tình hình kinh tế hiện tại.
Vượt qua sự phản kháng để thay đổi: 53% CEO châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các mô hình kinh doanh hiện tại của họ sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ tới (nhiều hơn 14% so với kết quả khảo sát toàn cầu). Do đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần chuyển đổi hoạt động kinh doanh để tồn tại và phát triển. Đổi mới thật sự đang là mối quan tâm hàng đầu của các CEO Việt Nam. Để đổi mới thành công, các CEO tại Việt Nam cần vượt qua sự kháng cự trong nội bộ doanh nghiệp để đón nhận sự thay đổi, giúp tận dụng lợi thế kỹ thuật số và công nghệ mang lại, cũng như lấp đầy khoảng cách từ cam kết đến thực hành ESG.
Năm yếu tố thành công tạo sự khác biệt và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam
Tái thiết lập chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài: Kết quả khảo sát các CEO trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, chỉ 41% CEO cho biết các hành vi của nhân viên đồng nhất và hòa hợp với giá trị và định hướng của công ty. Khoảng một nửa CEO được khảo sát cho rằng, ban lãnh đạo không khuyến khích các cuộc tranh luận hoặc phản biện ý kiến trong công việc, cũng như khó chấp nhận những sai sót nhỏ. Để thu hút và truyền cảm hứng cho nhân viên, CEO nên chú trọng hơn đến mục đích công việc và sự trao quyền trong doanh nghiệp.
Thắt chặt quan hệ đối tác để thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Việt Nam là một quốc gia điển hình trong việc khuyến khích hội nhập toàn cầu và quan hệ đối tác quốc tế, giúp vượt qua các thách thức ngày càng tăng từ suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và sự phát triển của tự động hóa... Đây là cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh khi mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể áp dụng các hoạt động bền vững và thực hành ESG thông qua trao đổi và hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ và các đối tác.