Trên cả nước hiện có 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ |
Quan ngại kinh doanh đòi nợ biến tướng
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận cho biết, còn 8 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề liên quan đến việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án. Một là cấm dịch vụ này như đề xuất của Chính phủ. Hai là không quy định cấm như quy định tại Luật Đầu tư hiện hành.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bởi thời gian qua hoạt động này có sự biến tướng, thiếu lành mạnh.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được dùng vũ lực, tuy nhiên, bản chất dịch vụ này hoàn toàn khác, thông thường chủ nợ hướng tới dùng bạo lực để đòi nợ.
Dẫn số liệu từ Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, đại biểu Hoa cho biết, đến năm 2019, cả nước có 217 DN được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại gần 30 địa phương. Trong quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động không tuân thủ quy định, phát sinh tiêu cực với xã hội. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng, hình thành băng nhóm tội phạm, ảnh hưởng tới an ninh xã hội.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt chống tội phạm tín dụng đen, nhưng tín dụng đen vẫn nhức nhối. Hơn nữa, các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ không có đóng góp gì nhiều cho kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh: “Cấm dịch vụ kinh doanh dịch vụ đòi nợ là xuất phát từ thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực”.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về dịch vụ đòi nợ thuê vì đóng góp của ngành nghề này không lớn so với tác hại nó gây ra với xã hội.
Có nên đổi tên gọi?
Ủng hộ việc dịch vụ đòi nợ cần được quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà nên đổi tên gọi là dịch vụ thu hộ nợ như ở Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để được kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật quy định cách thức xử lý rõ ràng, thuyết phục như: trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải đối thoại tại tòa án, lập dự phòng, mua bán nợ. Thế nhưng, thực tế thủ tục trọng tài hay tòa án mất rất nhiều thời gian với nhiều thủ tục hành chính mà hiệu quả không cao, chỉ thu nợ được 36% các vụ đã xử. Nếu tính trên tổng số các vụ việc thì rất thấp, kể cả khi có cả bản án có hiệu lực thì việc đôn đốc thu hồi nợ cũng rất khó khăn. Theo đó, đại biểu Hải đề nghị không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà nên nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, thay đổi tên gọi dịch vụ kinh doanh đòi nợ chưa hẳn thay đổi bản chất cũng như nội hàm của hoạt động này.
Mặt khác, theo bà Xuân, hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình. Tuy nhiên, tỷ lệ DN khởi kiện ra tòa và thu nợ qua các cơ quan thi hành án chưa được như mong muốn. “Tôi kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ thời gian tới cần sớm củng cố, cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này”, đại biểu Xuân nhấn mạnh.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình thảo luận về vấn đề này, Chính phủ cũng đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu, thảo luận, mời các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị rất nhiều lần và đã xem xét hết sức thận trọng, cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm kinh doanh loại dịch vụ này.