Quản lý chi phí xây dựng giao thông: Đề xuất tháo gỡ 4 nhóm khó khăn, vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực tế các dự án giao thông được áp dụng một số cơ chế đặc thù nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, quản lý và thực hiện hợp đồng xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật, giao bộ quản lý công trình chuyên ngành ban hành hệ thống định mức chuyên ngành.
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát, tổ chức xây dựng, xác định định mức dự toán có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát, tổ chức xây dựng, xác định định mức dự toán có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới. Ảnh: Lê Tiên

Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đã rà soát, tổng hợp danh mục các định mức còn thiếu hoặc có bất cập trong quá trình lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Từ đó, có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh, bổ sung 547 định mức liên quan đến chuyên ngành GTVT (xây dựng mới 322 định mức, điều chỉnh 225 định mức). Đồng thời, có văn bản gửi Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD với các định mức có tính cấp thiết gồm: 61 danh mục (tương đương 98 định mức) của lĩnh vực đường bộ; 71 danh mục (tương đương 94 định mức) của lĩnh vực đường sắt; 28 danh mục (tương đương 52 định mức) của lĩnh vực hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tổng hợp hồ sơ khảo sát các định mức đã được Bộ Xây dựng có ý kiến và Bộ GTVT ban hành tại các dự án trước đây; hồ sơ khảo sát định mức tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gửi Bộ Xây dựng. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục tổng hợp hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác triển khai thi công một số hạng mục như: bê tông nhựa, đắp đất nền đường K95, K98 bằng lu rung; thi công cấp phối đá dăm; đào đá cấp IV bằng máy đào; đắp đá nền đường theo TCCS 29:2020/TCĐBVN… để gửi Bộ Xây dựng làm dữ liệu xem xét điều chỉnh định mức chưa phù hợp cũng như ban hành định mức.

Trao đổi với phóng viên, nhiều đại diện nhà thầu cho biết, Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia đã được ban hành 4 tháng, nhưng việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở thực hiện cũng như việc chỉ đạo tổ chức thực hiện vẫn chưa được triển khai “đến nơi đến chốn”. Từ giai đoạn chuẩn bị dự án cho đến khi hoàn thành công trình, nhà thầu đều gặp khó khăn do đơn giá, định mức thấp và lỗi thời. Công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các cơ quan chức năng bộc lộ nhiều bất cập.

Nhiều bất cập về đơn giá, định mức xây dựng công trình giao thông vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều bất cập về đơn giá, định mức xây dựng công trình giao thông vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Nhã Chi

Theo giải thích của Bộ GTVT, việc xác định danh mục định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành GTVT gặp khó khăn do quy định về định mức đặc thù của chuyên ngành hiện nay còn có cách hiểu khác nhau. Bộ GTVT đang phối hợp với Cục Kinh tế xây dựng để xác định danh mục định mức đặc thù của chuyên ngành; đồng thời thực hiện rà soát, tổ chức xây dựng, xác định định mức dự toán có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành.

Bộ GTVT cho rằng, hiện có 4 nhóm khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thứ nhất là định mức xây dựng và giá xây dựng công trình. Thứ hai là việc xác định giá vật liệu tại mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản. Thứ ba là về danh mục các khoản mục chi phí khác. Cuối cùng là điều chỉnh giá và thanh, quyết toán hợp đồng xây dựng.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng chỉ ban hành hướng dẫn chung về phương pháp xây dựng và ban hành định mức; bộ quản lý công trình chuyên ngành tổ chức xây dựng và ban hành hệ thống định mức chuyên ngành. Việc xây dựng và ban hành định mức ngành cần mở rộng theo nhiều phương pháp như: tính toán từ dây chuyền công nghệ, thiết bị thi công; tham khảo các định mức đã ban hành có tính chất tương tự; tổng kết từ quá trình thi công... không nên bó cứng việc phải khảo sát bảo đảm đủ tin cậy thì mới có thể ban hành như quy định hiện nay. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công làm cơ sở xây dựng định mức dự toán; trường hợp không thể ban hành, cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trong quá trình hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh lại định mức chi phí đối với ngành giao thông phù hợp với mặt bằng chung các ngành và đặc thù ngành GTVT như: chi phí quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát…

Tin cùng chuyên mục